Không được phép lạm thu người bệnh ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu về giá viện phí, một nguyên tắc quan trọng là không được phép lạm thu người bệnh. Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp xây dựng về giá để tính đúng, tính đủ, trong đó có 7 yếu tố cấu thành giá viện phí. Tuy nhiên đến nay mới xây dựng được 4/7 yếu tố, vì vậy cần bổ sung cho đủ. Đại biểu QH Nguyễn Tri Thức phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Ngành y tế. Ảnh: VIỆT DŨNG Về hình thức đặt máy trúng thầu hóa chất xét nghiệm, ĐBQH Nguyễn Tri Thức phân tích, các bệnh viện đều đấu thầu hóa chất xét nghiệm đúng quy định. Việc khi công ty nào trúng thầu sẽ đem máy đặt máy vào bệnh viện sử dụng hóa chất đó phục vụ người bệnh sẽ đem lại lơi ích vô cùng lớn, cả cho bệnh viện và bệnh nhân. Bởi vì ngân sách không thể bỏ ra số tiền lớn để mua được các máy đó. Đồng thời cho biết, các kỹ thuật y học cũng luôn cập nhật liên tục, có khi cứ 6 tháng đã thay đổi, nếu ngân sách bỏ tiền ra mua máy móc sẽ không theo kịp được tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay lại không có hình thức đặt máy, mà chỉ có mua, thuê nên các bệnh viện không được đặt máy thầu hóa chất. ĐBQH Nguyễn Tri Thức kiến nghị Chủ tịch nước, Đoàn ĐBQH có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có quy định về việc đặt máy sau khi trúng thầu hóa chất theo đúng quy định của pháp luật. |
Sáng 9-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế TPHCM. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XV; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế tại đầu cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trân quý sự cống hiến, đóp góp to lớn của ngành y tế
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lực lượng y tế tuyến đầu - những chiến sĩ áo trắng là người quyết định trên chiến trường, trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch Covid-19. Chiến thắng trước dịch bệnh, vượt qua đỉnh dịch là chiến thắng của ý chí, tấm lòng, sức mạnh của toàn quốc và TPHCM.
Qua buổi tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề lớn được đặt ra: tổ chức hệ thống y tế của một đô thị lớn như TPHCM; khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế; vấn đề đầu tư cho TPHCM, trong đó y tế cộng đồng, y tế dự phòng; cơ chế, chính sách đối với các trạm y tế, trung tâm y tế… Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đoàn ĐBQH TPHCM tổng hợp các ý kiến cử tri nêu ra để kiến nghị kịp thời tới Quốc hội.
\
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước đề cập đến việc thay đổi chiến lược trong phòng, chống dịch từ theo đuổi mục tiêu Zero Covid-19 (không Covid-19) sang thích ứng an toàn với Covid-19, vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Theo đồng chí, chúng ta cần kiểm soát dịch tốt hơn để thích ứng an toàn với Covid-19. Cần cảnh giác cao nhằm không để xảy ra khủng hoảng y tế đối với cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Đối với TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tiếp tục nâng độ phủ vaccine, nâng cao năng lực điều trị cho người dân. Việc thứ hai là tiếp tục kiểm soát rủi ro ở một quy mô rộng hơn trong bối cảnh mở cửa trở lại. Chính vì thế, vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở trong việc hướng dẫn người dân không sợ hãi, không lo lắng, bình tĩnh thích ứng, sống an toàn với Covid-19.
Thời gian qua, có hơn 30.000 y bác sĩ từ các tỉnh vào tăng cường cho TPHCM. Nêu ra thực tế lực lượng này đã và đang rút đi, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến trách nhiệm của TPHCM là rất lớn trong thời gian tới. Hệ thống y tế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn, không để bất trắc xảy ra.
Đồng chí cũng đánh giá, việc phòng, chống dịch tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng tạo sức ép rất lớn về y tế cho cả vùng Nam bộ; và khi lực lượng chi viện của Trung ương rút về thì TPHCM phải chia lửa với các tỉnh miền Tây. Trách nhiệm của TPHCM – là trung tâm của cả vùng, thì không chỉ lo cho thành phố mà còn phải chú ý hỗ trợ các tỉnh trong khu vực. Chính vì vậy, Chủ tịch ước yêu cầu TPHCM cần lường hết các tình huống, có kịch bản cụ thể để ứng phó chủ động, hiệu quả với dịch bệnh trong thời gian tới.
Chủ tịch nước đánh giá mô hình điều trị của TPHCM theo hướng đánh chặn từ xa và chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng là điểm sáng và đi trước cả nước. Đồng chí đề nghị cần tiếp tục điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện và chia sẻ với các địa phương khác để làm tốt hơn nữa, bởi những kinh nghiệm đó được trả giá bằng máu và nước mắt của người trong cuộc.
Đồng chí yêu cầu cơ chế để huy động nguồn lực xã hội, y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tổ chức lại hệ thống y tế để đáp ứng trước thách thức mới về y tế, nhất là đối với một siêu đô thị như TPHCM.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước không chỉ quan tâm đến kinh tế TPHCM mà còn quan tâm đến văn hóa, xã hội, đời sống của người dân TPHCM – một trung tâm của cả vùng. Vì vậy, cần khắc phục nhanh những vấn đề của y tế cộng đồng về con người, trang thiết bị, cách thức tổ chức, huy động nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống, sức khỏe người dân TPHCM trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội cùng các điểm cầu tham gia hội nghị: Ảnh: TTXVN
Đồng chí yêu cầu TPHCM tổng kết, đánh giá các mô hình về y tế chuyên sâu, bác sĩ gia đình, trạm y tế lưu động, các hình thức huy động nguồn lực y tế trong tình hình đại dịch, trường hợp khẩn cấp và các chính sách có liên quan. “Chúng ta rút kinh nghiệm từ đại dịch này để chuẩn bị phòng, chống dịch trong thời gian tới”, Chủ tịch nước lưu ý.
Đề cập với việc sống thọ đi liền với sống khỏe của người dân, Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế cả nước và y tế TPHCM cần nghiên cứu chủ động khám chữa bệnh, công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, dinh dưỡng cho người dân… Cùng với đó là nghiên cứu chế độ đặc thù của ngành y tế để phát huy được trí tuệ, tâm huyết đội ngũ trong đó có quan tâm đến chính sách, điều kiện sinh sống và làm việc của cán bộ nhân viên y tế. Đồng thời có chế đãi ngộ đặc biệt, thoải đáng, phù hợp với lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch. Cùng với đó, cần quan tâm khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những cán bộ y tế xả thân trong phòng, chống dịch.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tich nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa bày tỏ trân quý sự cống hiến, đóp góp to lớn của ngành y tế cả nước nói chung và ngành y tế TPHCM nói riêng trong thực hiện chăm sóc khỏe nhân dân, đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19. Chủ tịch nước mong muốn đội ngũ cán bộ y tế TPHCM luôn vững luôn tin với tinh thần Việt Nam, nhất định sẽ kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự bình an cho người dân.
TPHCM xin phép được thí điểm các cơ chế chính sách
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các ý kiến đóng góp của ĐBQH, các cử tri ngành y tế TPHCM. Đồng chí bày tỏ đây là những ý kiến rất quan trọng, quý báu giúp TPHCM tiếp thu, tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian sắp tới. Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến này để báo cáo Quốc hội và các cơ quan có liên quan.
Chủ tịch UBND TPHCM,Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Ngành y tế. Ảnh:VIỆT DŨNG
Đồng chí Phan Văn Mãi kính đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo để các cơ quan Trung ương thúc đẩy triển khai nhanh vấn đề thuộc thẩm quyền để giúp TPHCM tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho thành phố và các địa phương. Đồng chí cũng bày tỏ với những thông tin, ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri hôm nay, các vị ĐBQH phản ánh, góp ý tham gia thảo luận và quyết định ở diễn đàn Quốc hội cũng như ở các cuộc họp khác để thúc đẩy việc hoàn thiện pháp luật, chính sách.
Về phía TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ sẽ tiếp thu và tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế trong thời gian tới. Trong đó nhiều ý kiến đóng góp xác đáng như sau đợt dịch này, TPHCM phân tích rút ra bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch bệnh cũng như các tình huống an ninh phi truyền thống khác. TPHCM cần có một phương án tổng thể phòng, chống dịch không chỉ đối với đợt dịch Covid-19 lần này mà đó là vấn đề thường trực có thể xảy đối với một đô thị lớn như TPHCM.
Từ các ý kiến trên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ có sơ kết tình hình, kết quả phòng, chống dịch và khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch cho thành phố trong thời gian tới gắn với phục hồi kinh tế.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM không lơ là, chủ quan trước những kết quả ban đầu mà tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát cảnh báo dịch trong kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế của thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin trong kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế của thành phố, TPHCM xác định củng cố hệ thống y tế với 3 trụ cột quan trọng. Đồng thời phát huy mô hình điều trị 3 tầng, trong đó quan tâm củng cố y tế cơ sở. Với đặc điểm là một đô thị lớn, TPHCM chưa quan tâm đầu tư đúng mức trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ chế chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế cộng đồng. Khi dịch Covid-19 bùng phát thì những bất cập càng bộc lộ rõ hơn. TPHCM đã kịp thời nhận ra để điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch phòng chống dịch sắp tới. Đồng thời sắp tới TPHCM sẽ có kế hoạch, đầu tư xứng tầm đối với các bệnh viện và trung tâm cấp cứu.
Đối với trụ cột về an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố xác định nhiệm vụ chăm lo cho người dân, người lao động là rất quan trọng. Ngoài các gói an sinh, TPHCM cũng quan tâm chăm lo các vấn đề khác như đưa đón người lao động về quê, trở lại thành phố làm việc, tiêm vaccine… Đồng thời TPHCM tập trung chương trình nhà ở cho người lao động, người thu nhập thấp để cải thiện nhà ở trên địa bàn thành phố. Đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá, qua đợt dịch lần này cho thấy bên cạnh một thành phố phát triển năng động cũng còn mặt trái về vấn đề dân cư, nhà ở cần phải khắc phục. Bên cạnh đó, TPHCM tập trung chăm lo người dân bị tác động nặng nề từ đại dịch cũng như chăm lo người già neo đơn, trẻ em mồ côi cha mẹ vì Covid-19.
Liên quan đến nhóm cơ chế chính sách, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong khi chờ các cơ chế chính sách chung thống nhất từ Trung ương, TPHCM xin phép cho thí điểm các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực xã hội giải quyết các vấn đề hiện tại của thành phố, góp phần phát huy nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học.