Tham dự và chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo bộ ngành Trung ương, các vị ĐBQH đoàn TPHCM. Về phía TPHCM có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Phát biểu định hướng buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với TPHCM vừa qua, Trung ương đã có văn bản giao Chính phủ, các bộ ngành có liên quan nghiên cứu kiến nghị của thành phố để xử lý.
Chủ tịch nước cho biết thêm, trước khi vào TPHCM, đồng chí đã hội ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và thống nhất tinh thần là phải cho TPHCM cơ chế thuận lợi hơn để có thể năng động hơn. Trong đó, TPHCM được làm thí điểm, đi trước một số lĩnh vực và có chính sách cụ thể, thông qua thay đổi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và hoàn thiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Tinh thần là TPHCM đi trước, thí điểm những cơ chế, chủ trương của Bộ Chính trị.
Chủ tịch nước nhận xét, hiện nay thể chế, cơ chế cho TPHCM đã quá chật hẹp, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và các cơ quan nhà nước đã nhìn thấy vấn đề này. Vì vậy, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu một số kiến nghị của TPHCM. “Trước hết chúng ta đề xuất một số cơ chế sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Cái này có ý nghĩa rất lớn để vượt qua những thách thức khó khăn hiện nay, đưa thành phố tiến bước trước khi có cơ chế chính sách lớn hơn cho TPHCM”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Khẳng định TPHCM sẽ toả sáng dựa trên sức mạnh khoa học công nghệ và tri thức trẻ, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế của TPHCM. Đồng chí đánh giá đây là vấn đề then chốt và nhận định những chính sách về đất đai, ngân sách, thể chế trước đây chưa phù hợp với tình hình áp dụng khoa học công nghệ hiện nay.
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngoài những vấn đề dài hơi, TPHCM nghiên cứu có những việc làm ngay, làm sớm để TPHCM đẹp hơn, an toàn và nghĩa tình dựa trên những thành quả đã có. Đồng chí cũng lưu ý dù TPHCM đã đạt được những thành quả sau đại dịch nhưng không được quá say sưa với những thành công ban đầu đó mà phải thấy được những khó khăn rất lớn trước mắt, ảnh hưởng rất lớn đến TPHCM.
Do đó, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu trực tiếp thảo luận những vấn đề khó khăn của thành phố để tháo gỡ. “Thành phố cần gì, chúng ta góp ý với thành phố, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những vấn đề có liên quan. Đặc biệt là chúng ta mạnh dạn đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Báo cáo trước hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, kết quả điều hành, phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 đi đúng hướng theo kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 9,97% so với cùng kỳ, trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30,02%. Đồng chí cũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, phương hướng nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Chủ tịch nước, đoàn ĐBQH TPHCM quan tâm ủng hộ việc tổng kết Nghị quyết 16 và ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng và sứ mệnh của TPHCM trong giai đoạn mới. Đồng thời ủng hộ kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến hết năm 2023, đồng thời khẩn trương chuẩn bị Nghị quyết mới với những cơ chế chính sách đột phá, thí điểm những vấn đề mới, như cơ chế khai thác tài sản công, đánh thuế đối với bất động sản thứ 2, cơ chế trung tâm tài chính…
Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chủ tịch nước và đoàn ĐBQH TPHCM quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị sớm có chủ trương, định hướng cho Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có TPHCM. Song song đó là việc quan tâm, có ý kiến về liên kết vùng; giúp TPHCM dự báo những vấn đề khó khăn bên cạnh những khó khăn chung của cả nước…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các vị ĐBQH đoàn TPHCM đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, góp ý định hướng phát triển cho TPHCM ở nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch, đến phát triển khoa học công nghệ, giao thông, giáo dục…