Sáng 25-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt người lao động ngành Dầu khí tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” giai đoạn 2017-2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, suốt chặng đường hơn 60 năm hình thành phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vai trò của ngành dầu khí rất quan trọng giúp bảo đảm nguồn nhiên liệu cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành công nghiệp khác. Đặc biệt, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược biển Việt Nam và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, góp phần tạo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối nền kinh tế.
Năm năm qua, toàn ngành đã có hơn 2.800 đề tài, sáng kiến/giải pháp được công nhận áp dụng vào thực tiễn trong các lĩnh vực như Tìm kiếm thăm dò - khai thác dầu khí; hóa - chế biến dầu khí; nhiệt và cơ khí chế tạo; công nghệ thông tin - tự động hóa - điện tử, sản xuất điện đạm... với tổng giá trị làm lợi ước tính 500 triệu USD; có 108 đề tài, sáng kiến/giải pháp được quyết định công nhận cấp tập đoàn, 12 công trình đạt Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), 50 giải thưởng WIPO, 4 sản phẩm được vinh danh “Tự hào Trí tuệ Lao động Việt Nam” đã mang lại hiệu quả hàng trăm triệu USD và tạo ra được các công trình khoa học công nghệ, sản phẩm có thể mạnh cạnh tranh được với các nước bạn bè trên thế giới.
Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo hiệu quả trong lao động sản xuất như nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các tài năng của ngành dầu khí. Song song đó, không ngừng đổi mới nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và tự chủ về năng lượng.
Đặc biệt, Tập đoàn cần nghiên cứu, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Dầu khí (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua để xây dựng và phát triển, giữ vững vai trò nòng cốt, chủ lực, có tiềm lực mạnh về tài chính, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao; tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tài chính, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; bảo toàn và phát triển nguồn vốn; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.