Chiều 11-5, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 1 tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Các ĐBQH đơn vị 1 gồm: Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM.
Cùng dự có đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Cử tri bức xúc về quy hoạch treo
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Quang Khải (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) nhận xét, sau 1 năm thành lập nhưng TP Thủ Đức phát triển chưa được như mong đợi.
Theo cử tri, TP Thủ Đức được hình thành từ 3 quận nhập lại nên cần có cơ chế đặc thù, chứ không chỉ dùng cơ chế tương đương đối với một huyện. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; không nên để hạ tầng chưa đồng bộ, đường sá quá tải như hiện nay.
“Đề nghị cần đặc biệt quan tâm dành cho TP cơ chế đặc thù, phát triển hạ tầng, giúp nơi đây phát triển thực sự”, cử tri Trần Quang Khải yêu cầu.
Cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức cũng là đề nghị của cử tri Lê Minh Thiện và Vũ Văn Thiết (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức). Các cử tri cho rằng, cần sớm tạo cơ chế phù hợp cho TP Thủ Đức để TP trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước phát triển vùng kinh tế năng động.
Đề cập đến các tồn tại trong xử lý tham nhũng, cử tri Nguyễn Ngọc Kiệm nhận xét, do cơ chế đã không kịp thời ngăn chặn, để tham nhũng mỗi vụ có khi lên tới cả ngàn tỷ đồng. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý tham nhũng thì tài sản đã tẩu tán, người tham nhũng đã cao chạy xa bay, dẫn tới khó xử lý, khó thu hồi tài sản.
Cử tri chất vấn “Tại sao có độ trễ đó? Các cơ quan chức năng có biết không?” và yêu cầu phải có giải pháp ngăn chặn tham nhũng kịp thời hơn.
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, cử tri Trần Việt Trung (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) nhận xét, chất lượng giáo dục đang rất đáng báo động. Riêng sách giáo khoa lớp 1, cứ cải cách miết nhưng vẫn chưa ra đâu vào đâu. Cử tri đề nghị phải xem xét lại việc này.
Trong khi đó, cử tri Cao Thị Trinh (công nhân, tạm trú phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) đề nghị được điều kiện mua nhà ở xã hội với diện tích 20-30m2. Cử tri cũng đề nghị cần có nhiều nhà trẻ an toàn và khu vui chơi cho con em công nhân, người lao động có chỗ vui chơi, học tập.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc về dự án quy hoạch treo trên địa bàn. Một số cử tri cũng phàn nàn về thái độ của một số công chức cấp phường ở TP Thủ Đức còn chưa đúng mực với người dân. Cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, phải chấn chỉnh thái độ, tinh thần phục vụ dân của công chức cấp phường.
Lắng nghe tiếng nói trái tai, uẩn khúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn cử tri đã nêu những ý kiến rất tâm huyết, thuyết phục, thẳng thắn và yêu cầu lãnh đạo TP Thủ Đức trả lời cử tri ngay tại hội nghị một số vấn đề.
Theo đồng chí Chủ tịch nước, đa phần các ý kiến cử tri bày tỏ quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước, của TPHCM, của các cấp ngành. Đó là mong muốn sớm có cơ chế chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, mong muốn Chủ tịch nước chủ trì hội nghị thu hút đầu tư cho TP Thủ Đức như ở Hóc Môn và Củ Chi. Nhiều cử tri tâm huyết với vấn đề giáo dục, phát triển hạ tầng giao thông, công viên cây xanh, thoát nước, tham nhũng tiêu cực…
Từ ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan của TPHCM rà soát, giám sát tại các khu dân cư không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng chí cũng đề nghị lãnh đạo TP Thủ Đức kiểm tra phản ánh của cử tri về việc mới nhận được 1/3 hỗ trợ cho tình nguyện viên chống dịch…
“Không được né tránh đối thoại với dân. Kể cả ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, các phường, TP Thủ Đức có đối thoại với dân theo quy định hay không? Đề nghị Bí thư Thành ủy rà lại. Bởi vì đối thoại là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề người dân đưa ra”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước chia sẻ thêm, Đoàn ĐBQH TPHCM là đoàn lớn, số lượng ĐB nhiều, trong đó có nhiều nhà khoa học, nhiều ủy viên trung ương, theo truyền thống trước nay là đoàn có tiếng nói quan trọng trong xây dựng chính sách pháp luật. Thời gian qua, Đoàn ĐBQH TPHCM đã sinh hoạt nền nếp, hiệu quả, phát hiện, phản ánh được nhiều vấn đề.
Từ đó, Chủ tịch nước mong muốn Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp tục phát huy, góp tiếng nói mạnh mẽ với các cấp chính quyền, địa phương, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, lắng nghe tiếng nói trái tai, tiếng nói còn uẩn khúc để tháo gỡ cho người dân.
“Với tư cách Chủ tịch nước và ĐBQH TPHCM, tôi yêu cầu UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH TPHCM, đặc biệt là Chủ tịch, Bí thư các quận huyện, TP Thủ Đức thường xuyên lắng nghe đối thoại, giải quyết hợp tình hợp lý đúng pháp luật những ý kiến nguyện vọng của người dân”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh.
Thanh tra Chính phủ sẽ đối thoại với dân |