Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Báo cáo Chính phủ nêu rõ, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế. Cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế. Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững. Việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập; nợ công còn tiềm ẩn rủi ro. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công vẫn còn tồn tại… Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước chưa cao.
Thảo luận tại tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, các ý kiến đều cho rằng, kế hoạch phải gắn với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế. Theo ĐB Nguyễn Minh Đức, cần đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN vì hiện nay tốc độ rất chậm, Chính phủ cần báo cáo rõ để có giải pháp cụ thể thời gian tới. Bên cạnh đó, khắc phục căn bệnh giải ngân đầu tư công chậm, nguyên nhân là có nhiều thủ tục nhiêu khê. “Tái cơ cấu kinh tế phải đặt trong bối cảnh có dịch, trong đó cần thực hiện thật tốt chiến lược vaccine”, ĐB Nguyễn Minh Đức nói.
Về phương hướng tái cơ cấu giai đoạn tới, Chủ tịch nước cho rằng, phục hồi kinh tế sau đại dịch là rất quan trọng, nhất là vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Chủ tịch nước lưu ý, tái cơ cấu nền kinh tế, cần chú ý xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp là trụ đỡ cho phát triển. Phải phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, vì đó là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế. Vấn đề này trong kế hoạch phải rõ nét hơn. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ, các tập đoàn kinh tế lớn. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài. Qua thực tiễn phòng chống dịch vừa qua càng thấy, lực lượng kinh tế tư nhân đã chung tay rất mạnh mẽ cùng Đảng, Nhà nước kiểm soát dịch bệnh. Phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự cường, để dù bối cảnh khó khăn đến đâu chúng ta cũng trụ vững. “Để thành công thì quan trọng nhất vấn là con người, thể chế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng trong chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Một vấn đề chung mà ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và các ĐB đều lưu ý, đó là cần nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất vì hiện nay gây lãng phí nghiêm trọng, nhiều quy hoạch treo.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) tán thành việc vẫn giữ diện tích đất lúa, tăng đất cho an ninh quốc phòng. “Cần hạn chế tối đa quy hoạch treo, vì điều này gây bức xúc nhất cho dân. Hạn chế tối đa lấy mất đất bờ xôi ruộng mật để làm công nghiệp”, ĐB Nguyễn Minh Đức nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng phát biểu, quy hoạch đất đai phải là nền tảng quan trọng xoay quanh để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu kinh tế. Nước ta có bình quân diện tích đất so với đầu người là thấp, do đó phải sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và dành đất cho thế hệ cháu con.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc giàu lên vì đất nhiều, nhưng tù tội cũng vì đất, cho nên yêu cầu phải chống được tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai. Quy hoạch đất đai phải đồng bộ, kể cả việc bảo đảm diện tích cây xanh, hồ nước cho người dân, trong đó giữ lại đất lúa ổn định cho con cháu đời sau.
“Phải giữ lại quy hoạch đất lúa 3,5 triệu ha. Dù có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tôi bảo vệ quan điểm giữ đất lúa ổn định. Đất lúa có đặc điểm riêng mà chỉ Việt Nam và một số nước có. Chúng ta không phải nói sản xuất lương thực bằng bất cứ giá nào, không phải làm lúa để dân nghèo mà chúng ta giữ lại 3,5 triệu ha đất lúa để mãi mãi cho con cháu đời sau, phải bảo đảm an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng”,-Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, tùy điều kiện để chúng ta quy hoạch đất lúa phù hợp. Những nơi phù hợp với cây ăn quả thì chuyển đổi, hoặc những nơi đất trồng lúa không năng suất thì sử dụng cho công nghiệp, dịch vụ, vấn đề là không gian đất lúa phải phù hợp. Ứng dụng CNTT cần mạnh mẽ hơn cho quá trình quản lý đất đai.