25 năm, kinh tế phát triển tương đối toàn diện
Báo cáo tình hình phát triển 25 năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, từ khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng bước vào một chặng đường phát triển mới.
Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Đà Nẵng phát huy những thành quả của các thời kỳ trước, luôn nhạy bén với cái mới, dám nghĩ, dám làm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của TP Đà Nẵng và đã đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội.
Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế của TP Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm. GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển.
Sự đồng thuận đã trở thành một tài sản tinh thần to lớn của TP Đà Nẵng Đồng chí Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ và chính quyền TP Đà Nẵng có được nhiều bài học quý giá trong việc hoạch định phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ TP Đà Nẵng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Đồng chí Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu Đây là động lực, là nền tảng cho sự phát triển của thành phố; là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin đối với quần chúng, nhân dân, từ đó xây dựng, duy trì, và phát huy sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận trong xã hội. Sự đồng thuận đã trở thành một tài sản tinh thần to lớn của TP Đà Nẵng trong những năm qua”, ông Chinh nhấn mạnh. |
Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư, đưa vào sử dụng. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của TP Đà Nẵng như chương trình TP “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, là điểm đến tin cậy của bạn bè trong nước và quốc tế.
Dù đang hướng đến các mục tiêu lớn tại Nghị quyết số 43, TP Đà Nẵng còn đối mặt nhiều thách thức lớn như tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đang chững lại, dư địa phát triển không nhiều; quy mô nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu kinh tế bộc lộ những điểm chưa phù hợp, thể hiện rõ qua tác động của Covid-19. Ngoài ra, những vướng mắc trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng là một trong những khó khăn lớn, kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục do vượt thẩm quyển.
Coi trọng nhân lực là nhân tố bứt phá
Phát biểu tại tọa đàm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu to lớn mà TP Đà Nẵng đã đạt được trong 25 năm qua, nhất là việc thực hiện hiệu quả công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn dịch Covid – 19. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng dương… Chính điều đó đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương tại miền Trung cùng vượt khó. Tuy vậy, những thành quả này vẫn chưa xứng tầm với những ưu thế, tiềm năng mà TP Đà Nẵng hiện có.
Vì vậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, thời gian tới TP Đà Nẵng phải thực hiện thành công mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị; là trung tâm giao thương quốc tế, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách, là nơi hội tụ của những người tài, những ý tưởng sáng tạo; là thành phố động lực, đầu kéo kinh tế của cả nước và “Đà Nẵng phải trở thành một biểu tượng, niềm tự hào về sự vươn mình, vượt qua trở ngại trỗi dậy thành công của Việt Nam”.
Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP Đà Nẵng tiếp tục thực hiện đưa địa phương trở thành một đô thị trung tâm, một động lực kinh tế quan trọng nhất của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xây dựng thành phố trở thành thành phố quốc tế, nơi giao thoa nền văn hóa tạo nên sự hấp dẫn và có bản sắc riêng; sớm hoàn thiện các quy hoạch, thúc đẩy liên kết với các địa phương lân cận, nhất là phát triển du lịch.
“Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển nguồn lực con người; phát huy bản sắc văn hóa, phẩm chất vốn có của người dân xứ Quảng, đặc biệt cần khích lệ tinh thần này trong đội ngũ lãnh đạo địa phương cũng như tinh thần doanh nhân. Bởi chìa khóa thành công của TP Đà Nẵng nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng con người”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Về kinh tế, địa phương phải hướng đến là trung tâm của miền Trung về dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao với giá trị gia tăng lớn; tập trung đầu tư cho những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đã được xác định. Trong đó, TP Đà Nẵng coi chuyển đổi số là động lực để địa phương bứt phá. Đồng thời, TP Đà Nẵng cũng phải tập trung đẩy nhanh các công trình hạ tầng trọng điểm như xây dựng cảng Liên Chiểu, tính toán quy mô sân bay Đà Nẵng cũng như quy hoạch hệ thống đường sắt….
Đặc biệt, để đưa kinh tế Đà Nẵng lên tầm cao hơn, Đà Nẵng cần có những mô hình tăng trưởng mới có khả năng tăng năng suất lao động, có giá trị gia tăng cao như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vui chơi giải trí quốc tế hiện đại, trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam….
Với những dự án sai phạm theo pháp luật không thể thực hiện, TP Đà Nẵng phải báo cáo Bộ Chính trị có cơ chế chính sách đặc biệt, không để nhùng nhằng làm ảnh hưởng nguồn lực của địa phương. TP Đà Nẵng không nên tự so mình với các địa phương khác mà cần mạnh dạn so sánh với các thành phố trong khu vực. Gắn liền với sự phát triển bền vững và có bản sắc riêng, TP Đà Nẵng phải trở thành nơi đáng đến, đáng đầu tư, đáng trải nghiệm với du khách trong và ngoài nước.