Sáng 30-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Trung ương thăm và làm việc tại TPHCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Các quyết sách đã đủ, vấn đề là thực hiện
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao khi TPHCM đã nêu rõ giải pháp và những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị TPHCM nên nghiên cứu, vận dụng các ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan tại buổi làm việc để phát huy tốt kết quả phòng chống dịch, khắc phục các bất cập thời gian qua.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ chia sẻ với khó khăn, thách thức của nhân dân TPHCM - TP lớn nhất cả nước, dân số trên 10 triệu người, TP năng động sáng tạo đã phải trải qua 61 ngày phong tỏa.
Chủ tịch nước biểu dương các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch đã cống hiến hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân. Đặc biệt, hệ thống chính trị ở cơ sở đã ngày đêm làm việc, vận động người dân tuân thủ phòng chống dịch, chăm lo cho người dân. Lãnh đạo TPHCM cũng đã có những quyết định kịp thời, đa dạng, phong phú để phòng chống dịch bệnh, nỗ lực đưa TPHCM sớm trở lại trạng thái bình thường. Trong đó, đồng chí đánh giá cao việc cứu trợ kịp thời, hỗ trợ cần thiết cho một TP đông dân như TPHCM với nhiều biện pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao TPHCM đã xây dựng mới 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, tổng số giường bệnh có thể lên tới gần 50.000 giường. Trước đó, chiều 29-7 đồng chí đã trực tiếp đến Bệnh viện dã chiến số 16, nơi có những doanh nghiệp đã nhường cho TPHCM cơ sở này để làm Bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM, các bệnh viện tư nhân cũng được huy động vào công tác điều trị, đó là sự nỗ lực và đồng hành rất lớn.
Từ đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương các địa phương, các bộ, ngành đã quan tâm hỗ trợ TPHCM trong thời gian qua. Trong đó, Bộ Y tế đã huy động trên 10.000 cán bộ y tế, sinh viên ngành y dược phối hợp với TPHCM. Các lực lượng chức năng khác đã phối hợp, hỗ trợ TPHCM. “Hình ảnh xúc động là người dân các địa phương trong cả nước gom góp từ mớ rau, quả trứng, từ đồng tiền, hạt gạo với tình cảm thân thương chia sẻ với TPHCM. Nghĩa cử ấy rất đáng trân trọng, thể hiện văn hóa, truyền thống của người Việt Nam”, Chủ tịch nước nói.
Trong phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch nước phân tích, biến thể Delta rất phức tạp, đang gây nguy hiểm cho nhiều nước trên thế giới, trong đó những nơi có mật độ dân số cao như TPHCM càng bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng chí nhấn mạnh đến mục tiêu trước hết, trên hết, quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giảm tối đa số ca tử vong do Covid-19.
“Chúng ta có tỷ lệ tử vong thấp. Nhưng tính mạng của người dân thì không cho phép xảy ra việc đó. Cần tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu việc này”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
“Cốt tử là thực hiện, thực hiện và thực hiện. Thực hiện không nghiêm, không kiên quyết không giải quyết được vấn đề”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, và cho rằng việc TPHCM tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa, là cần thiết.
Không để người dân “đói cơm lạt muối”
Để đảm bảo việc giãn cách được nghiêm túc trong thời gian dài, theo Chủ tịch nước cần chăm lo hỗ trợ người nghèo không thiếu đói. Nhà nước, MTTQ, đoàn thể, các tổ chức, đều chung tay, không được để dân đói, dân ốm mà không được chăm sóc. Đồng thời đảm bảo điện, nước, an ninh trật tự… Đồng chí một lần nữa kêu gọi TPHCM tiêm vaccine cho lực lượng thiện nguyện như lực lượng tuyến đầu. Đồng thời chủ động hơn trong việc đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về TPHCM phục vụ người dân.
Theo Chủ tịch nước, TPHCM cần đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm tới tận tay người dân, tổ chức bán lưu động không để ai phải thiếu đói là một yêu cầu quan trọng hiện nay. Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền về việc để dân thiếu đói, đói cơm lạt muối, cùng cực xảy ra ở địa phương mình. Theo đồng chí, phải kỷ luật nghiêm những người vô trách nhiệm.
Chủ tịch nước yêu cầu, ngoài Tổ Covid-19 cộng đồng, TPHCM cần có thêm bác sĩ tư vấn tại chỗ, mỗi khu phố nên có một số bác sĩ tư vấn cho người dân, tổ chức đường dây nóng hiệu quả tham gia giải đáp người dân… Không để tình trạng người dân gọi điện tới mà không có người chuyên môn trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng khiến người dân hoang mang…
Với định hướng tăng cường điều trị Covid-19, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không chỉ với Covid-19 mà việc điều trị các bệnh khác cũng cần được chú trọng. Tổ chức hệ thống giám sát dịch, đặc biệt là Tổ Covid-19 cộng đồng, hỗ trợ kịp thời theo cấp độ bệnh.
“Không được để tình trạng người bệnh nặng, báo tin mà không được chính quyền và y tế cơ sở quan tâm. Không được để người ốm mà không được chăm sóc. Và, giảm tối đa số người tử vong. Đây là một yêu cầu lớn với ngành y tế, với TPHCM”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Vừa dập dịch, vừa điều trị
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc phân tích: “Chiến lược chúng ta đưa ra là tập trung điều trị, khác với việc nhà đang cháy mà chúng ta chỉ lo chữa người bị bỏng. Ở đây, chúng ta không chỉ lo người bỏng mà còn lo dập lửa, hai việc song trùng - vừa lo điều trị, vừa lo phòng chống, dập dịch. Từ đó giảm số người bệnh, giảm số người tử vong”.
Đồng chí cũng nhấn mạnh quan điểm phát huy lực lượng tại chỗ, “nước gần cứu lửa gần”, tránh tình trạng quá tải.
Theo đồng chí Chủ tịch nước, vấn đề lớn hiện nay là tập trung tài lực, nhân lực, vật lực cho điều trị. Trong đó tầng 5 điều trị ca nặng cần chủ động không để thiếu máy thở, thiếu oxy trong bệnh viện. Đồng thời, đa dạng hóa các giải pháp quản lý F0 không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ. Đồng chí hoan nghênh việc vừa rồi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có viedo hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà; đây là việc cần thiết, nên được tuyên truyền rộng rãi.
Trong vấn đề tiêm vaccine, đồng chí nhấn mạnh cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với nhân dân. Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước, ngành y tế tiếp tục tập trung vaccine cho TPHCM. Và, TPHCM phải tận dụng thời gian cách ly xã hội để tiêm vaccine an toàn cho người dân.
Cũng liên quan đến vaccine, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH-CN xem xét sớm cấp phép cho vaccine nội địa của Việt Nam - Nano Covax. Vaccine này đã tiêm thử nghiệm 14.000 người, thử nghiệm giai đoạn 3 và cho kết quả tốt. Chủ tịch nước cho rằng, cần xem xét đẩy nhanh thủ tục cấp phép vaccine, vì đây là vấn đề cấp bách.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một tinh thần trong hệ thống chính trị, đó là không có chuyện phần dễ về mình, phần khó về người. Đồng chí cho rằng, TPHCM cần khen thưởng kỷ luật nghiêm minh, kịp thời hơn. Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, vận động người dân đồng lòng chống dịch. Cuối cùng, cần có phương án phục hồi sản xuất, tái thiết mạnh mẽ đồng bộ sau dịch Covid-19. Sau dịch, hệ thống chính trị vững mạnh hơn.
“Sau cơn mưa trời lại sáng, một vùng biển lặng không tạo ra được những thủy thủ giỏi giang. Vùng biển động sóng dữ sẽ tạo ra những con người giỏi giang để lèo lái con thuyền”, đồng chí Chủ tịch nước so sánh, và bày tỏ niềm tin TPHCM với truyền thống năng động sáng tạo sẽ cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhân chuyến thăm, đoàn công tác đã tặng TPHCM 103 tỷ đồng và 30 máy thở. “Đoàn trao món quà tình nghĩa, gọi là của ít lòng nhiều”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Cân nhắc mọi tác động trong từng phương án, từng quyết định Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
|