Tham dự và thực hiện nghi thức khởi công, có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.
Tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước.
Nhìn rộng hơn, Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra Biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của khu vực miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc - Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung.
Chủ tịch nước nêu rõ, việc khởi công dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu là bước cụ thể hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Việc Nhà nước đầu tư Cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết. Thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển. Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung". |
Chủ tịch nước lưu ý dự án liên quan đến 4.324 hộ dân, cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống; khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng. Cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả.
TP Đà Nẵng cam kết huy động mọi nguồn lực, tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn; bảo đảm chất lượng, tiến độ để dự án hoàn thành vào năm 2025. Khẩn trương phối hợp với các bộ ngành Trung ương triển khai các thủ tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ đưa các bến cảng vào khai thác hiệu quả đồng bộ với Phần cơ sở hạ tầng dùng chung sau năm 2025, góp phần thúc đẩy, khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả kinh tế biển của TP Đà Nẵng và khu vực duyên hải Trung bộ theo đúng Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị.
Theo UBND TP Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm gần đây đạt trung bình 10%/năm. Năm 2020 lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn. Dự báo sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050.
Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nằm tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - là một hợp phần chính thuộc dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu. Dự án thuộc loại hình công trình giao thông, nhóm A, có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng. Về quy mô đầu tư xây dựng, dự án sẽ xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus cụ thể: Kè chắn sóng và đê chắn sóng dài khoảng 1.170m (kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m). Luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải. Đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30m và đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (QL1), mỗi nhánh gồm 2 làn xe, bề rộng 8m. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2021 đến tháng 12-2025, đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu. |