Sáng 9-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế TPHCM. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại điểm cầu Hà Nội.
Tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XV; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngày đêm nơi tuyến đầu
Phát biểu từ điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề là lực lượng y tế TPHCM - một địa bàn lớn nhất cả nước nhưng bị đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất nặng nề đến tính mạng, tài sản, cuộc sống nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngành y tế TPHCM với các chiến sĩ áo trắng là lực lượng tuyến đầu, là anh hùng thầm lặng, dũng cảm hy sinh, cống hiến quên mình để cùng với TPHCM bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và bình yên của người dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với đồng bào, cử tri TPHCM đã trải qua những đau thương mất mát to lớn trong những ngày qua với số người thiệt mạng thống kê đến nay trên 15.000 người. Chủ tịch nước cũng bày tỏ cảm thông sâu sắc với những vất vả khó khăn của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế ngày đêm hỗ trợ chăm sóc người bệnh.
Chủ tịch nước đánh giá cao quyết tâm lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM đã vượt qua khó khăn gian khổ để từng bước trở lại cuộc sống bình yên trong thời điểm này. “Đỉnh dịch tại TPHCM đã qua đi cho đến thời điểm này. Tất nhiên chúng ta không được chủ quan bởi số ca tử vong còn lớn, số người nằm viện còn nhiều”, Chủ tịch nước nhận xét.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đội ngũ trực tiếp tại TPHCM cùng đội ngũ tăng cường đã dũng cảm quên mình khám chữa bệnh, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 4 đã huy động nguồn lực rất lớn, nhân tài vật lực trong phòng chống dịch. Tổng cộng có 536 trạm y tế lưu động được lập ra, 32 bệnh viện dã chiến với gần 60.000 giường bệnh, hơn 1.533 đội lấy mẫu xét nghiệm với hơn 200.000 người - một số lượng khổng lồ nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch tại TPHCM.
“TPHCM và ngành y tế TPHCM đã tiến hành công việc khổng lồ với nhiệm vụ khó khăn. Tất cả chúng ta đều ghi nhận và xúc động trước tấm lòng quả cảm, tận tụy, tấm gương hy sinh quên mình của cán bộ - chiến sĩ làm nhiệm vụ tuyến đầu, đặc biệt là các chiến sĩ áo trắng và trực tiếp là đội ngũ y bác sĩ. Có nhiều cán bộ y tế đã hy sinh, nhiều tấm gương làm việc tận tâm quên mình, xả thân vì nhiệm vụ, làm lay động lòng người được xã hội trân trọng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lực lượng y tế cả nước, đặc biệt là ngành y tế TPHCM và đội ngũ y tế được tăng cường hỗ trợ TPHCM trong thời gian qua. Chủ tịch nước lưu ý, những khó khăn hiện nay vẫn còn rất lớn và nhiều thách thức, TPHCM không được chủ quan. Ngành y tế - những người chiến sĩ áo trắng, vẫn ngày đêm làm việc khi hiện nay TPHCM vẫn còn nhiều ca bệnh đang điều trị. Những vấn đề về xã hội, những vấn đề chăm sóc sau dịch bệnh đòi hỏi ngành y tế TPHCM, ngành LĐTB-XH TPHCM tiếp tục phải làm nhiều việc để tiếp tục đảm bảo cuộc sống người dân được bình yên.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Mong lắng nghe hiến kế người trong cuộc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, buổi tiếp xúc để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đội ngũ cán bộ thầy thuốc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những bất cập hiện nay của ngành y tế. Đồng thời, góp phần tìm ra giải pháp chăm sóc sức khoẻ nhân dân một cách lâu dài sau đại dịch. “Không chỉ lo về kinh tế mà phải lo về xã hội, lo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, Chủ tịch nước khẳng định.
Theo đồng chí, dịch bệnh và các vấn đề khác của xã hội là vấn đề quan trọng chứ không phải đơn thuần chỉ về kinh tế. Các cấp các ngành, đặc biệt TPHCM cần phải có giải pháp đồng bộ, trước hết là những giải pháp cấp bách để đưa TPHCM trở về trạng thái bình thường mới.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi tiếp xúc có ý nghĩa quan trọng với sự tham dự và chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các ĐBQH, cơ quan chức năng Trung ương và TPHCM.
Đặc biệt là sự tham gia của các cử tri ngành y tế là các giáo sư, y bác sĩ - những người đến từ mọi miền đất nước với chuyên môn và kinh nghiệm phong phú, đã trải nghiệm những ngày tháng chống dịch cam go, căng thẳng và có nhiều đóng góp to lớn vào công tác phòng chống dịch tại TPHCM; những người đã góp phần quan trọng cho TPHCM từng bước kiểm soát dịch bệnh và đang từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.
Đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn, trong buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, các ĐBQH, lãnh đạo Trung ương và TPHCM sẽ được lắng nghe những tâm tư, tình cảm, những góp ý, hiến kế của những người trong cuộc về công tác phòng chống dịch của TPHCM và cả nước. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp cơ quan chức năng và các ĐBQH có thêm thông tin thực tiễn để tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV sắp tới.
Đặc biệt là đóng góp vào báo cáo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, cũng như là việc thực thi pháp luật, chính sách về chăm lo sức khỏe người dân nói chung và phòng chống dịch nói riêng.
“Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện cử tri về tình hình và công tác phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn TPHCM; về việc thực thi pháp luật, chính sách cũng như về các vấn đề quan tâm khác, nhằm giúp công tác phòng chống dịch của TPHCM và trong cả nước đạt kết quả toàn diện hơn, giúp TPHCM và đất nước sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, đồng chí Phan Văn Mãi tha thiết.
5 nhóm kiến nghị của Sở Y tế TPHCM
Báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, dịch Covid-19 do biến chủng Delta bùng phát trên địa bàn TPHCM bắt đầu từ tháng 4-2021. Đến nay, trong đợt dịch lần thứ 4 này, có hơn 403.000 ca mắc, hiện còn hơn 20.000 ca đang điều trị tại các bệnh viện và hơn 22.000 trường hợp đang cách ly điều trị tại nhà.
“Có thể nói từ trung tuần tháng 7 đến tháng 9-2021, TPHCM đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng. Đến giữa tháng 9-2021, TPHCM bắt đầu kiểm soát được dịch với số tử vong giảm dần, số ca mắc mới cũng giảm dần”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, để có những kết quả trên cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM. Các cấp chính quyền, các sở ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức thiện nguyện và mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng, đồng sức quyết tâm chống dịch.
Riêng đối với ngành y tế, bên cạnh huy động tổng lực nhân viên y tế từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, ngành y tế TPHCM đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời từ 132 đơn vị y tế chi viện cho TPHCM. Trong đó, lực lượng do các bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành tham gia hỗ trợ với hơn 28.989 người.
Ngoài những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng nêu ra một số tồn tại hạn chế của ngành y tế. Đó là hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ rõ những điểm yếu trong thực tiễn phòng chống dịch lần này. Hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đến Trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế xã phường vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu thốn về nhân lực, trang thiết bị y tế.
Tại buổi tiếp xúc, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Sở Y tế TPHCM đang xây dựng kế hoạch “nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TPHCM”. Trong đó nêu ra 5 nhóm vấn đề kiến nghị Đoàn ĐBQH TPHCM.
Về nhóm cơ chế chính sách để phát huy hiệu quả y tế cơ sở trong phòng chống dịch: Đối với trạm y tế cần có chính sách thu hút nhân lực về làm việc tại cơ sở bền vững, trong đó tăng hệ số lương khởi điểm y tế cơ sở, có cơ chế tạo điều kiện phát triển chuyên môn theo nhu cầu. Đồng thời có chính sách thu hút nhân lực có chuyên môn từ những nguồn khác (y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu,…).
Về nhóm cơ chế chính sách y tế tư nhân thu hút tham gia phòng chống dịch, Sở Y tế TPHCM đề xuất cơ sở y tế tư nhân được thu chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc Covid-19. Đồng thời cho y tế tư nhân tham gia nhiều mô hình điều trị F0. Ngoài ra, Sở Y tế cũng kiến nghị chế độ cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, cơ chế tài chính cho cơ sở y tế công.