Tối 24-10, tại Hà Nội, Hội đồng giải Báo chí Quốc gia đã tổ chức lễ trao giải lần thứ 15 năm 2020. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Hội Nhà báo Việt Nam cùng nhiều cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo cả nước.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ tổng kết và trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15 đã không diễn ra vào ngày Báo chí Việt Nam 21-6 như thường lệ.
Năm 2020, vượt qua hơn 1.800 tác phẩm báo chí tham dự, 150 tác phẩm được lọt vào chung khảo, Hội đồng giải Báo chí Quốc gia đã lựa chọn ra 1 giải đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C và 32 giải Khuyến khích.
Theo nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đây là lần đầu tiên, sau 15 năm tổ chức, giải Báo chí Quốc gia có giải đặc biệt thuộc về Báo Nhân dân với tác phẩm phim tài liệu truyền hình "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình", của nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết, qua 15 năm tổ chức, giải Báo chí Quốc gia đã thực sự trở thành hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có ý nghĩa và danh giá nhất, có sức thu hút, lan tỏa mạnh mẽ, hấp dẫn nhất đối với các nhà báo và lực lượng cộng tác viên trong cả nước.
Giải không những là nơi tôn vinh các thành quả lao động trong 1 năm của đội ngũ nhà báo – cộng tác viên, mà còn là môi trường rèn luyện nghề nghiệp, thử thách tay nghề và bản lĩnh, sự cống hiến không mệt mỏi của các nhà báo trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trên mọi miền Tổ quốc.
15 năm qua, giải đã thu hút hơn 21.000 tác phẩm báo chí tiêu biểu cả nước, với gần 30.000 lượt tác giả gửi về tham dự (trung bình mỗi năm có gần 1.500 tác phẩm được lựa chọn từ cơ sở để dự giải), trong đó có hơn 1.500 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải các thể loại, đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều nhà báo đang ngày đêm dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, giới thiệu, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu vốn văn hóa quốc gia, hướng đến sự nhân văn của con người.
"Báo chí cũng là vũ khí sắc bén đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; cung cấp kịp thời thông tin và công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội và chung sức giải quyết khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, báo chí tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân; phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu; về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch...
Chủ tịch nước cũng đề nghị, báo chí cần thực hiện đúng tôn chỉ mục đích đề ra, thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước, trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta, khơi dậy khát vọng của dân tộc và của mỗi người dân; bảo vệ những giá trị cốt lõi của đất nước, của dân tộc; tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: chính xác - chính thống - nhanh nhạy - có kiểm chứng; khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin.
Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn đội ngũ báo chí cả nước cần nỗ lực thực hiện tốt những nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, các chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Đồng thời, tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội, nhất là trong cán bộ đảng viên.
Chủ tịch nước đề nghị, lực lượng báo chí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân; chủ động đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, thông tin sai lệch, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta; không bị dao động, sa ngã trước những tác động xấu của những tư tưởng sai trái, tiêu cực trên mạng xã hội cũng như trong đời sống và mặt trái của kinh tế thị trường.
Đảng, Nhà nước luôn mong muốn và yêu cầu đội ngũ những người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn.