Cụ thể, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile từ̀ ngày 9 đến ngày 12-11; thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại thủ đô Lima, Peru từ ngày 12 đến 16-11.
* Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25-3-1971. Năm 2007, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Trong những năm gần đây, hai bên cũng đã trao đổi nhiều chuyến thăm các cấp. Việt Nam và Chile đã ký nhiều văn kiện hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, công vụ...
Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Chile trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,3 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ 2023). Hiện Chile là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh (sau Mexico, Brazil và Argentina), còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile trong ASEAN.
* Việt Nam và Peru thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14-11-1994. Hiện Đại sứ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru.
Trong hơn 5 năm (từ 2016-2022), tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ gần 354 triệu USD (2016) lên 600 triệu USD (năm 2022); năm 2023 đạt 486 triệu USD và 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 290 triệu USD. Hai bên vẫn còn nhiều cơ hội để nâng cao kim ngạch thương mại.
Về đầu tư, Việt Nam hiện có hai dự án đầu tư quan trọng tại Peru trên các lĩnh vực viễn thông (của Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel) và dầu khí (của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) với số vốn hơn 1 tỷ USD.
* Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 21 của APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10 vào ngày 15-11-1998, tổ chức tại Malaysia.
APEC là diễn đàn quy tụ các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu kỷ niệm 35 năm thành lập APEC (1989-2024), cũng là dịp để rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới.
Với chủ đề “Trao quyền - Bao trùm - Tăng trưởng”, APEC 2024 sẽ thúc đẩy 3 ưu tiên chính là: thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.
Trong 26 năm tham gia APEC (1998-2024), Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.