Dự triển lãm có các đồng chí: Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến...
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới ở nước ta. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử là kết quả của sự đoàn kết, đấu tranh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam và đóng góp không nhỏ của báo chí cách mạng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, trong đó có Nhật báo Quốc hội.
Sau khi giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước yêu cầu cấp bách cần phải “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Trong bối cảnh đó, cùng với các tờ báo “Cứu Quốc”, “Sự Thật”, “Lao Động”, “Dân Chủ”... Nhật báo Quốc hội được xuất bản với mục đích tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Nhật báo Quốc hội cũng giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho người dân Việt Nam hiểu quyền hạn và bổn phận của cử tri trong việc chọn người đại diện cho mình tham gia vào Quốc hội; đồng thời, giúp các ứng cử viên đại biểu Quốc hội có một cơ quan vận động chung để giới thiệu thành tích, khả năng và chương trình hành động của mình.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I vào ngày 6-1-1946 hoàn toàn thắng lợi với số cử tri đi bầu lên đến 89%. Trong điều kiện chiến tranh, trước sự ngăn cản của thực dân Pháp và tay sai thì số lượng 89% cử tri tham gia bầu cử là không hề khiêm tốn.
Việc tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đã góp một phần không nhỏ vào kết quả này. Và Nhật báo Quốc hội, tờ nhật báo chỉ ra đời trong kỳ Tổng tuyển cử, dù chỉ vỏn vẹn có 15 số báo và tồn tại trong 21 ngày nhưng đã làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Nhật báo Quốc hội là tờ báo mang dấu ấn đặc biệt, chỉ phát hành trong thời gian ngắn (từ ngày 17-12-1945 đến ngày 6-1-1946) do Ban phụ trách Tổng tuyển cử ở Bắc bộ xuất bản với nội dung chủ yếu là đưa tin rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I; hướng dẫn, cổ vũ quần chúng tham gia ứng cử và bầu cử; đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng đối lập nhằm phá hoại cuộc bầu cử.