Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Phát biểu tại tổ của đoàn ĐBQH TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) là vấn đề lớn, liên quan đến sức khỏe người dân, nên sửa là cần thiết. Nhưng Chủ tịch nước cho rằng, luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong vấn đề KCB cho trẻ em.
Theo Chủ tịch nước, trẻ em là lực lượng đông đảo, là tương lai đất nước nên cần được chăm lo. Về vấn đề này, Luật KCB hiện hành đã lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn đời sống. Luật sửa đổi lần này phải bổ sung nhiều quy định liên quan đến quyền trẻ em.
Chủ tịch nước đề nghị phải quy định rõ về KCB cho trẻ em, tức là trẻ em dưới 16 tuổi. Các em phải được ưu tiên khám trước, được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em tàn tật, nghèo, mồ côi, dân tộc thiểu số, trẻ có bệnh hiểm nghèo, ung thư phải được ưu tiên đặc biệt.
Đồng thời, không áp dụng quy định KCB trái tuyến, vượt tuyến với trẻ em. Các em phải được tiếp cận không giới hạn trong dịch vụ và cơ sở KCB; không áp dụng hạn mức trần KCB đối với các dịch vụ khám, điều trị với trẻ em ở các bệnh hiểm nghèo, ung thư, tim mạch. Hoặc trước mắt áp dụng mức trần thanh toán cao hơn với trẻ em, tiến tới xóa bỏ thời hạn trần chi trả trần BHYT với trẻ em. Trẻ em cần được thụ hưởng mức BHYT hơn mức bình quân của người bệnh, chẳng hạn phải được thanh toán định mức thanh toán BHYT cao hơn với người lớn.
Song song đó, theo Chủ tịch nước, cần mở rộng, tăng chất lượng KCB ở các cơ sở y tế để bảo đảm yêu cầu chữa trị cho trẻ em. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục KCB cho trẻ em, chẳng hạn không cần cấp và xuất trình thẻ BHYT cho trẻ em, thay vào đó chỉ cần giấy tờ chứng minh độ tuổi như giấy khai sinh, thẻ học sinh. Thủ tục KCB, thanh toán chi phí y tế cho trẻ em cần được thuận lợi hơn, không áp dụng thủ tục KCB của người lớn cho trẻ em, bảo đảm các em được KCB một cách thuận lợi.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, với Luật KCB sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH. Nhưng còn thiếu nhiều quy định. “Từ thực tế y tế TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có hệ thống điều trị còn nhiều vướng mắc, làm sao để đội ngũ y bác sĩ thăng hoa trong nghề chứ không phải làm mà lúc nào cũng nơm nớp lo sai phạm”, ĐB cho biết.
Về cơ chế tài chính của các bệnh viện, ĐB Phạm Khánh Phong Lan rất mong có chủ trương ngay từ đầu rằng xem nghề y là nghề cao quý thì đãi ngộ phải tương xứng. Lương của y bác sĩ phải được tính toán phù hợp.
Theo ĐB Lan, bệnh viện thực hiện tự chủ thì nguồn lương ngân sách để trả lương bị thu hẹp, vì vậy nhiều y bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư. “Nhiều ý kiến nói dù ở bệnh viện tư hay công thì các y bác sĩ đều phục vụ nhân dân, nhưng vấn đề là phải bảo đảm công bằng. Nhiều người nghèo không có tiền vào khám bệnh viện tư, hoặc khám tự nguyện tại bệnh viện công”, ĐB nói.
ĐB Phong Lan cũng đề nghị ghi vào luật các trường hợp tấn công y bác sĩ là chống người thi hành công vụ, có chế tài nghiêm khắc. Nội dung này trong dự thảo luật hiện nay còn ghi chung chung, chưa rõ ràng.
Phát biểu tại thảo luận tổ chiều 26-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dự thảo luật sửa đổi lần này có nhiều sự thay đổi rất căn bản với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm”: nâng cao chất lượng KCB, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân; đảm bảo phát triển công bằng giữa cơ sở Nhà nước và tư nhân. Về một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất không thi cấp chứng chỉ hành nghề. Người học y xong, thực tập 18 tháng, căn cứ trên những hồ sơ, giấy tờ thì được cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường. Trong khi cả nước có 27 trường đào tạo khối ngành y và chất lượng đào tạo khác nhau. Vì vậy, khi chưa có chuẩn chung trong chất lượng thì thi cấp chứng chỉ hành nghề là bước đầu để đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ khi ra hành nghề. Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề, bắt buộc bác sĩ phải tham dự các kỳ thi, chứng chỉ có giá trị trong vòng 5 năm. |