Tại kỳ họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra vào sáng 3-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ trực tiếp làm việc, thảo luận với các hội ngành nghề, lắng nghe các doanh nghiệp. Từ đó, TPHCM sẽ thiết kế, xây dựng các giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh thông tin, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 585.635 tỷ đồng, tăng 7,86% (cùng kỳ tăng 7,76%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh (bao gồm: thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải - cảng - kho bãi, khoa học - công nghệ, kinh doanh bất động sản, giáo dục và y tế). Cụ thể, 9 nhóm ngành dịch này chiếm tỷ trọng cao nhất 57,6% trong tổng GRDP.
Trong lĩnh vực công nghiệp, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường tạo ra mức tăng 9,55% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Đặc biệt, ngành điện tử - công nghệ thông tin tăng 10,15% so với cùng kỳ. Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ đã khiến các sản phẩm ngành điện tử thành phố có sự thay đổi tương ứng, sản phẩm ngày càng tinh tế, nhỏ gọn, giá thành cạnh tranh.
Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp chỉ tăng khoảng 7,11%, trong khi cùng kỳ tăng đến 7,51%.
Phân tích sâu hơn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong dẫn chứng: 4 ngành công nghiệp chủ yếu tạo ra 54% giá trị sản lượng của toàn ngành. Tính chung, 4 ngành công nghiệp chủ yếu này chiếm 10% GRDP.
“Các ngành chế biến, chế tạo và khai khoáng (trong 4 ngành công nghiệp chủ yếu) của cả nước tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng và nêu rõ ngành chế biến chế tạo của TP lại sụt giảm.
Riêng ngành công nghệ thông tin, điện tử tăng hơn toàn ngành rất cao. Song, so với toàn ngành, ngành điện tử chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chính vì vậy, dù ngành công nghệ thông tin, điện tử có sự tăng trưởng mạnh cũng khó có thể tạo được sự thúc đẩy cho sự phát triển của toàn ngành vào thời điểm này.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, TP trông cậy nhiều vào 4 ngành công nghiệp chủ lực nhưng thời gian qua, 4 ngành chưa có điểm nhấn, đột phá nào.
Vì vậy, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương phát biểu thêm, phân tích về nguyên nhân ngành công nghiệp chưa chuyển biến. Giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm là gì?
Nhận xét về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận xét, vốn bình quân của dự án FDI chỉ 1 triệu USD/1 dự án, là quá nhỏ. Với số vốn này khó tạo ra được cú hích đối với sự phát triển của TP.
“Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta phải xem lại môi trường đầu tư vừa qua sao không thu hút được vốn lớn hay có những trục trặc nào khác?”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề.
Trước yêu cầu trên, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngành cơ khí, công nghệ thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nên Sở Công Thương tập trung kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp ngành này phát triển.
“Qua làm việc với các doanh nghiệp, Sở Công Thương nhận thấy ngành cơ khí phát triển nhưng tính liên kết không cao”, ông Kiên giải thích và cho rằng, ngành cơ khí cũng gặp khó khăn về nguồn công nhân lành nghề. Cụ thể, các công nhân khi được đào tạo tốt thì các doanh nghiệp FDI thu hút.
Vì vậy, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các trường tổ chức đào tạo nguồn lao động có tay nghề cung ứng cho các doanh nghiệp cơ khí. Đồng thời, Sở Công Thương sẽ trình UBND TP giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực đối với ngành này.
Ông Phạm Thành Kiên cũng khẳng định sẽ tổ chức kết hợp giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam, trong hoạt động cung ứng, tham gia vào “chuỗi FDI”.
Đề cập một khó khăn khác, ông Kiên phân trần, các doanh nghiệp của TPHCM chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư, mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bước đầu, Sở Công Thương cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp cơ khí (tổng số 18.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 1,74 doanh nghiệp có quy mô lớn) để lắng nghe, từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ.
Qua đó, Sở Công Thương sẽ xây dựng chính sách, thực hiện hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có quy mô (thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như trước) nhằm nâng cao năng lực thành các doanh nghiệp chủ lực, tạo ra sản phẩm đầu cuối có lợi thế cạnh tranh.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở - ngành đặc biệt quan tâm đến các giải pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp TP phát triển. Song song đó, chủ tịch UBND các quận - huyện phải nắm cho được trên địa bàn có những ngành gì, sản phẩm công nghiệp nào nổi bật.
“Là chủ tịch UBND quận - huyện mà hỏi ngành nào, sản phẩm công nghiệp nào nổi bật gì nhưng trả lời lơ mơ là không được”, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý và phân tích ở mỗi địa phương có sự khác nhau về các ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp. Chính vì vậy, các quận - huyện phải nắm được cụ thể; đồng thời lắng nghe nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nhận xét, TPHCM được nhiều tổ chức xếp hạng là TP năng động, sáng tạo nhưng chúng ta thực hiện, chuyển động rất chậm chạp. Vì vậy, TP phải xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gắn với hương hiệu. “Điều này phải gắn với đổi mới và sáng tạo”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định và cho biết sẽ trực tiếp làm việc, thảo luận với các hội ngành nghề, lắng nghe các doanh nghiệp về các giải pháp thúc đẩy nhằm thiết kế môi trường, xây dựng được các giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Hoạt động tụ tập đông người tác động đến thu hút đầu tư
Trong 6 tháng đầu năm 2018, TPHCM thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 4,18 tỷ đô-la Mỹ (bằng 144,1% so với cùng kỳ). Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT, môi trường đầu tư cải thiện, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển được các thành phần kinh tế quan tâm thực hiện, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tiếp tục có kết quả khả quan. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số dự án FDI được cấp mới đều tăng so với cùng kỳ.
Song, các hoạt động lôi kéo tụ tập đông người, có hành động chống phá, gây mất trật tự an toàn xã hội ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư. Vốn tập trung vào đầu tư phát triển còn thấp, số dự án đầu tư nước ngoài tăng nhưng quy mô đầu tư còn nhỏ với mức trung bình chỉ khoảng 1 triệu USD/dự án.
Liên quan đến các vấn đề về dân sinh, ông Sử Ngọc Anh cũng nhận xét, các vấn đề về quản lý đô thị (ngập nước, kẹt xe…) vẫn gây áp lực lớn. Điều này đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; đồng thời nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết có hiệu quả thiết thực hơn.
Về các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Giám đốc Sở KH-ĐT nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, các sở - ngành, quận huyện tập trung xây dựng và triển khai các giải pháp khuyến khích, đẩy mạnh và hình thành phong trào khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, Sở Công Thương chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu tập trung phát triển công nghiệp theo đúng định hướng, ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.