Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Trần Việt Hòa cho biết, từ khung giá này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân áp dụng trong năm 2023. Đến nay, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương tính toán các chi phí, xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Đánh giá về khung giá mới, trong bối cảnh chi phí đầu vào của ngành điện tăng cao và EVN lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), đề nghị, cần xem xét điều chỉnh giá bán điện ở mức hợp lý để đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện lẫn doanh nghiệp, đơn vị và người tiêu dùng điện. Nếu không, ngành điện sẽ thua lỗ, EVN sẽ không có tiền thanh toán cho việc mua điện của các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, thu hút đầu tư cho phát điện, truyền tải, phân phối điện.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nếu đúng nguyên tắc của Luật Giá thì giá phải đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh cho ngành điện và theo tính toán thì mức giá mới phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành mới được coi là “tính đủ”. Nhưng nếu tăng đột ngột 15% như tính toán thì sẽ tác động mạnh đến đời sống người dân và lạm phát. Do đó, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đề xuất, có thể chia lộ trình tăng giá điện làm hai đợt, mỗi đợt tăng 7-8%. Nếu áp dụng theo cách này chỉ đẩy lạm phát đợt 1 tăng khoảng 0,2%. Sau đó theo dõi, tính toán, nếu trong những tháng cuối năm tình hình thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu đề ra thì có thể điều chỉnh giá đợt 2.