Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Lê Duy Hạnh: Làm cải lương phải luôn đổi mới

Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Lê Duy Hạnh: Làm cải lương phải luôn đổi mới

Tác giả Lê Duy Hạnh

Tác giả Lê Duy Hạnh

(SGGPO).- Tối 19, 20-4 tại TP Cần Thơ và tối 26-4 tại Bạc Liêu, vòng chung kết Giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ XII năm 2014 diễn ra do Hội Sân khấu TPHCM phối hợp với Ban Tổ chức Lễ hội Đờn ca tài tử quốc gia Bạc Liêu lần thứ nhất và Đài PTTH Hậu Giang tổ chức. Đêm tổng kết trao giải sẽ diễn ra vào tối 27-4, tại Bạc Liêu. Dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo của Giải thưởng Trần Hữu Trang năm nay.

• PV: Vòng chung kết Giải thưởng Trần Hữu Trang đang diễn ra, ông có nhận xét gì về giải thưởng năm nay?

• Ông Lê Duy Hạnh:  Năm nay, Giải thưởng Trần Hữu Trang được sự bảo trợ của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu, nên đến giờ phút này, nhìn chung 3 đơn vị phối hợp tổ chức là Hội Sân khấu TPHCM, Ban Tổ chức Lễ hội Đờn ca tài tử quốc gia Bạc Liêu lần thứ nhất và Đài PTTH Hậu Giang đã thực hiện khá tốt. Giải thưởng năm nay không chỉ thu hút các đơn vị nghệ thuật, các trường đào tạo nghệ thuật, mà còn có cả những hội văn học nghệ thuật cũng có thí sinh tham gia và lọt vào đến tận vòng chung kết. Đây là điều rất đáng mừng, bởi cải lương đang ngày càng lan tỏa rộng khắp và được nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm.

Bên cạnh đó, việc tổ chức giải thưởng này cũng cho thấy, những đơn vị nghệ thuật nào năng động, biết cách thu hút được đội ngũ trẻ và chịu khó dành thời gian mấy năm “trồng cây” thì sẽ có được nhiều "trái ngọt". Trong số 20 thí sinh (15 triển vọng, 5 xuất sắc) vào vòng chung kết của giải thưởng năm nay, tôi thật sự ấn tượng với Nguyễn Ngọc Đợi (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu – Bạc Liêu) và Lê Thị Ngọc Quyền (Đoàn Văn công Quân khu 9). Trong tình hình sân khấu khó khăn như hiện nay mà cải lương lại có được 2 giọng ca trẻ này, thật rất quý hiếm. Nếu như trước đây, được các “bầu” hát đầu tư, chăm chút, tạo cơ hội đóng những vai chính thì chẳng bao lâu họ sẽ trở thành những ngôi sao thật sự của sân khấu cải lương.

• Các thí sinh nam thì sao, thưa ông?

• Đến giờ phút này, tôi chưa thấy có thí sinh nam nào thật sự vượt trội trong ca diễn giống như một vài trường hợp của thí sinh nữ. Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng qua khoảng thời gian chuẩn bị cho vòng thi cuối, các thí sinh nam có nhiều nỗ lực hơn để có thể tạo được bất ngờ cho người xem.

• Như ông đã nói ở trên, thì rõ ràng vấn đề đặt ra hiện nay là, những người làm cải lương, nhất là các “bầu” hát, người đứng đầu đơn vị nghệ thuật phải luôn đổi mới cách làm?

• Đúng vậy. Bây giờ những người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật cải lương cũng cần phải đổi mới cách làm. Bởi làm cải lương đòi hỏi phải có quá trình đầu tư cho công tác chọn lựa đội ngũ kế tục và chú trọng đến việc đào tạo. Sở dĩ ở Giải thưởng Trần Hữu Trang năm nay, Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu – Bạc Liêu thật sự tạo được ấn tượng với nhiều người về chất lượng đội ngũ diễn viên trẻ kế thừa là nhờ những năm qua họ luôn quan tâm, chú trọng đến việc đào tạo. Sau những năm tháng “trồng cây”, giờ đây họ đang bước vào mùa gặt “quả ngọt”. Ở Đoàn Văn công Quân khu 9 cũng vậy, luôn chú trọng đến đào tạo diễn viên trẻ. Đây là những điều rất đáng mừng cho các đơn vị nghệ thuật này nói riêng và cho đời sống sân khấu cải lương nói chung. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, nếu chỉ đầu tư đào tạo được những giọng ca mới không chưa đủ, mà đòi hỏi các đơn vị phải đầu tư một cách đồng bộ hơn nữa. Ví dụ như sau khi tuyển chọn được những giọng ca xuất sắc, các đoàn hát phải nhất thiết chọn được những thầy tuồng sáng tác những bản vọng cổ hoặc vai diễn, vở tuồng theo kiểu “đo ni, đóng giày” cho từng giọng ca. Đồng thời, các đoàn hát cũng phải chú trọng đến đội ngũ thầy đờn. Nếu làm được những điều này, chắc chắn cơ hội tỏa sáng cho các giọng ca mới sẽ lớn hơn và đoàn hát cũng sẽ tạo được sức hút công chúng hơn!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc Giải thưởng Trần Hữu Trang năm 2014 thành công!

Nguyễn Ngọc Đợi (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu – Bạc Liêu) Lê Thị Ngọc Quyền (Đoàn Văn công Quân khu 9). DANH SÁCH 20 THÍ SINH DỰ THI VÒNG CHUNG KẾT GIẢI THƯỞNG TRẦN HỮU TRANG NĂM 2014 • 5 thí sinh dự thi giải xuất sắc, gồm: Nguyễn Hồng Thắm (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An), Lê Thị Ngọc Quyền (Đoàn Văn công Quân khu 9), Đặng Thị Mỹ Vân (Đoàn Văn công Đồng Tháp), Nguyễn Phương Anh (Đoàn Cải lương Tây Đô – Cần Thơ) và Nguyễn Ngọc Đợi (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu – Bạc Liêu). • 15 thí sinh dự thi giải triển vọng, gồm: Phạm Anh Chàng, Lâm Ngọc Hoa, Thần Thoại Mỹ, Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu – Bạc Liêu); Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (CLB Sân khấu Dạ cổ hoài lang thuộc Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Bạc Liêu); Võ Hồng Thủy (Đoàn Cải lương Tây Đô - Cần Thơ); Võ Thị Huỳnh Mơ (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang); Nguyễn Thị Chúc (Đoàn Văn công Quân khu 9); Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Thanh Phong (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM); Trần Chí Hòa (Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Hậu Giang); Nguyễn Văn Linh (Đoàn Cải lương Hương Tràm – Cà Mau); Nguyễn Hoàng Hải (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Phan Thị Hoàng Oanh (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An) và Lê Vũ Anh Huy (Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Cần Thơ).
Lê Thị Ngọc Quyền (Đoàn Văn công Quân khu 9).

Lê Thị Ngọc Quyền (Đoàn Văn công Quân khu 9).

Đỗ Hạnh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục