Phóng viên: Sau khi tái đắc cử nhiệm vụ Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, bà và BCH hội đã xây dựng kế hoạch với các hoạt động chính yếu nào?
Bà DƯƠNG CẨM THÚY: Tiếp tục được bầu là chủ tịch hội, tôi thấy trách nhiệm càng lớn và luôn nghĩ làm sao để đáp ứng sự tín nhiệm đó. Trước mắt, chúng tôi rất muốn xây dựng phòng truyền thống của điện ảnh TPHCM và Nam bộ, trên cơ sở đang có nhiều tư liệu, hiện vật phong phú. Tôi được biết, Công ty cổ phần Phim Giải Phóng (tiền thân là Hãng phim Giải Phóng) có quy hoạch một địa điểm tại Bình Dương để giữ lại toàn bộ hiện vật của Trung tâm Điện ảnh quốc gia trước đây. Chúng tôi mong muốn có sự kết hợp, cùng xin chủ trương của thành phố để có thể giữ địa điểm đó làm phòng trưng bày.
Một điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là vấn đề đầu tư sáng tác. Để biến kịch bản thành phim cần phải có kinh phí. Phim tài liệu năm nào chúng tôi cũng làm. 5 năm tới, mong muốn của hội là có thể 1-2 năm sẽ làm được 1 phim truyện điện ảnh. Từ đầu năm 2020, chúng tôi đã trình Sở VH-TT TPHCM kế hoạch chi tiết bộ phim truyện 30 tập mang tên Lá hát về đề tài những người xây dựng TPHCM. Hội đồng thẩm định kịch bản phim của thành phố đang tiến hành làm việc và dự kiến bộ phim được thực hiện trong năm nay. Chúng tôi cũng đã được thành phố chấp thuận chủ trương tổ chức Liên hoan phim (LHP) ngắn TPHCM, dự kiến định kỳ 2 năm 1 lần, vào tháng 10 tới.
Hàng năm, chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức các trại sáng tác; các lớp đào tạo ngắn hạn về làm phim, diễn xuất, lý luận phê bình; tổ chức chiếu phim kinh điển và đương đại nhằm cung cấp thêm kiến thức cho khán giả, đặc biệt khán giả trẻ. Chúng tôi cũng đang góp ý vào Luật Điện ảnh (sửa đổi), đề nghị để TPHCM có thẩm quyền để tổ chức LHP, chợ phim… nhằm giới thiệu, quảng bá phim của mình ra nước ngoài.
Đâu là những khó khăn cho Hội Điện ảnh TPHCM khi bắt tay hiện thực hóa kế hoạch nói trên?
Điện ảnh là ngành công nghiệp lớn và tốn tiền. Một bộ phim điện ảnh tiêu tốn tối thiểu 3-5 tỷ đồng, nhiều thì có thể 20-30 tỷ đồng, thậm chí cao hơn. Từ năm 2014, chúng tôi cùng Sở VH-TT TP đã hoàn chỉnh đề án về kế hoạch phát triển điện ảnh TPHCM nhưng vẫn chưa được duyệt. Nếu làm được, nó sẽ mang đến hiệu quả lớn. Ngoài ra, việc xây dựng phim trường, trung tâm chiếu phim của TP, trung tâm kỹ thuật hay tổ chức sự kiện điện ảnh quy mô… sẽ mang về nguồn thu lớn. Đơn cử như việc nhiều phim hiện nay phải đi làm hậu kỳ ở nước ngoài, nếu làm được trong nước, nguồn thu không hề nhỏ.
Tôi cho rằng, muốn điện ảnh phát triển thành ngành công nghiệp, phải có sự chung tay, hỗ trợ, đầu tư. Hiện nay, chúng ta còn chưa có quỹ điện ảnh để đầu tư vào lĩnh vực làm phim, đào tạo đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất… Có thể còn những e ngại điện ảnh là lĩnh vực tốn tiền nhưng nếu có sự hỗ trợ, tiếp sức của các lãnh đạo, các ngành có liên quan sẽ giúp điện ảnh phát triển. Đề án đã có rồi nhưng phải biến điều đó thành hành động cụ thể. Nếu chỉ có tài năng, tâm huyết, nhiệt tình thôi là không đủ. Tôi tin nếu làm, chắc chắn có kết quả.
Còn chuyện làm thế nào để thu hút các hội viên trẻ, các công ty làm phim tư nhân tham gia tích cực vào hoạt động của hội?
Đó vừa là mong ước vừa là hành động chúng tôi đã làm trong 2 nhiệm kỳ qua. Trong hàng ngũ hội viên, có nhiều thành viên của các hãng phim tư nhân. Hiện lực lượng hội viên trẻ (ngưỡng 40 tuổi) chiếm khoảng 50%. Chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều hội viên trẻ đăng ký kết nạp, nhưng khó khăn là nhiều khi các bạn bận rộn đóng phim nên không thể thường xuyên tham gia sinh hoạt. Trách nhiệm nghĩ ra hình thức phù hợp và hấp dẫn các hội viên thuộc về BCH Hội. Hiện chúng tôi đang rà soát xóa tên những hội viên đã lâu không sinh hoạt để tổ chức hội bớt cồng kềnh, tạo điều kiện cho những hội viên mới tích cực hoạt động.
Hàng năm, hội cũng tổ chức giải thưởng điện ảnh và không phân biệt đó là phim của Nhà nước hay tư nhân sản xuất, cứ phim tốt là được trao giải. Số tiền giải thưởng tuy chỉ vài chục triệu đồng so với kinh phí làm phim hàng chục tỷ đồng nhưng đó là sự công nhận, hỗ trợ, tôn vinh về mặt tinh thần để họ cảm thấy mình được an ủi, nâng đỡ, tiếp thêm động lực làm phim.
Từ nhiều năm nay, câu chuyện những người hoạt động điện ảnh mỗi khi gặp sự cố nhưng chưa có tổ chức nghề nghiệp đứng ra hỗ trợ vẫn luôn là vấn đề trăn trở?
Đây cũng là trăn trở của BCH qua nhiều nhiệm kỳ. Trong các hội thảo, hội nghị vấn đề này cũng được đưa ra bàn luận nhiều lần. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi chỉ có thể động viên, giúp đỡ, hướng dẫn họ làm đơn gửi đến cơ quan chức năng hay đưa ra những tư vấn trong quá trình hai bên làm hợp đồng để không bị lừa gạt. Riêng chi hội diễn viên cũng đã thành lập tổ luật sư, nhưng đến nay chưa thấy ai nhờ tư vấn.
Trong phạm vi cho phép, hội đã kêu gọi, vận động các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhiều hơn đến những người làm nghề.