Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ: “TPHCM luôn luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, có cơ chế đặc thù cũng như những nghị quyết riêng cho TPHCM. Nhưng có thể nói, đây là lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết riêng (Nghị quyết số 54/2017/QH14), đã phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền TPHCM một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết này cũng có một số cơ chế, chính sách vượt trội so với những quy định của pháp luật. TPHCM đón nhận nghị quyết nói trên như một động lực mới, vì khi tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy sự phát triển cho TP”.
- Phóng viên: Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX vừa diễn ra đã thông qua nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội. Đây chỉ là nghị quyết khung nên cần phải có các đề án, tờ trình của UBND TP đề xuất đối với từng vấn đề đặt ra. Như vậy, những yêu cầu để đảm bảo cụ thể hóa các nội dung của các cơ chế, chính sách đặc thù là gì, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm: Để triển khai nghị quyết của Quốc hội, HĐND TPHCM đã có một nghị quyết giao cho UBND TP chuẩn bị một số đề án để trình cho HĐND TP, làm cơ sở tổ chức thực hiện. Nghị quyết của HĐND TP chưa đề cập sẽ làm những gì cụ thể mà chỉ giao kế hoạch, nhiệm vụ, đầu việc và thời gian thực hiện việc đó. Trên cơ sở này, UBND TP phải có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện và trình đề án để HĐND TP xem xét thông qua.
Tinh thần là khẩn trương thực hiện, không chờ ngồi bàn kế hoạch, nghiên cứu quá lâu vì đây là những vấn đề mà TPHCM gặp ách tắc, gút mắc từ lâu rồi. Sự khẩn trương là vậy. Song khi thực hiện phải chặt chẽ, không qua loa, đại khái. Bởi lẽ, nghị quyết của Quốc hội giao cho HĐND TP quyết định một số vấn đề vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ. HĐND TP sẽ xem xét, thông qua các đề án của TPHCM một cách chặt chẽ, thận trọng, đảm bảo đúng quy định, minh bạch, đảm bảo sự công khai dân chủ.
- Khối lượng các tờ trình, đề án giao cho UBND TP thực hiện là rất lớn, nhưng mỗi năm HĐND TP chỉ họp định kỳ 2 lần thì liệu có đảm bảo tiến độ xem xét, thông qua các đề án của UBND TP?
* Theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, bên cạnh 2 kỳ họp thường lệ, HĐND TP có thể tổ chức các kỳ họp bất thường với các chuyên đề khác nhau, do thường trực HĐND TP quyết định hoặc Chủ tịch UBND TP đề nghị.
TPHCM chỉ có 5 năm thí điểm thực hiện nghị quyết của Quốc hội, trong đó, 3 năm đầu phải sơ kết. Tinh thần của HĐND TP là khi sơ kết phải có hiệu quả. Cho nên trong năm 2018, HĐND TP sẽ tổ chức một số cuộc họp để xem xét các tờ trình, đề án của UBND TP thực hiện một số nhiệm vụ. Yêu cầu này đòi hỏi chính quyền TPHCM phải khẩn trương hoàn thành các đề án, trình cho HĐND TP ngay trong năm 2018. Trước tiên, trong quý 1-2018, UBND TP phải trình trước một số đề án và HĐND TP sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề xem xét, thông qua nhằm cụ thể hóa, đưa một số cơ chế, chính sách áp dụng vào thực tiễn.
Có thể nói, ngay từ khi nghị quyết của Quốc hội được bấm nút thông qua thì các cơ quan của HĐND TP, UBND TP đã có sự chuẩn bị nội dung cho các các đề án này. Bởi vì trong thực tế, từ những ách tắc, gút mắc mà TPHCM đang đối diện nên TPHCM đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ. Do đó, nói là xây dựng đề án, song thực tế nội dung đã được xác định, hình thành rồi và lúc này chỉ là hệ thống lại, trình cho HĐND TP xem xét, quyết định. Đây cũng là một sự thuận lợi, đảm bảo sớm triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết của Quốc hội.
- Nghị quyết của Quốc hội có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TPHCM trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, TPHCM còn được các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực về tài chính. Như vậy, người dân có thể kỳ vọng gì vào việc triển khai, góp phần tháo gỡ trì trệ hiện nay như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…, thưa đồng chí?
* Nghị quyết của Quốc hội tạo động lực cho TPHCM phát triển, song đó không phải là một chiếc đũa thần giải quyết được tất cả mọi vấn đề của TP hiện nay; mà nó còn là một thách thức, buộc TPHCM phải vượt qua những trì trệ, phải năng động hơn. Khi TPHCM đề xuất Trung ương cho cơ chế thì TP đã đặt mục tiêu sẽ giải quyết trì trệ, ách tắc gì; đồng thời thúc đẩy TP phát triển như thế nào. TP có định hướng, có mục tiêu rõ ràng. Vấn đề là TP phải triển khai có hiệu quả, khẩn trương thực hiện để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ tăng quyền tự chủ cho chính quyền TPHCM trên một số lĩnh vực như quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính - ngân sách, phân cấp ủy quyền và quyết định tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Khi thực hiện có hiệu quả nghị quyết này, TPHCM sẽ có thêm nhiều nguồn lực như việc cổ phần hóa; hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất bán tài sản (sau khi trừ chi phí di dời, xây dựng cơ sở mới) của các cơ quan trung ương đóng tại TPHCM; nguồn thu từ phí, lệ phí hoặc thuế… Những nguồn lực này được sử dụng để đầu tư phát triển. Do đó, các dự án chống ngập đã được xác định, dự án giải quyết ô nhiễm môi trường, những dự án hạ tầng giao thông… sẽ có vốn đầu tư. TPHCM còn được ứng vốn đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi của Trung ương (như đường Vành đai 3). Khi TPHCM có nguồn lực sẽ sớm đầu tư, đưa vào khai thác những dự án này, như vậy góp phần tích cực thúc đẩy TP phát triển.
Nghị quyết của Quốc hội còn đặt vấn đề sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. HĐND TP còn được quyết định chính sách thu hút nhân tài thông qua thẩm quyền định mức thu nhập của chuyên gia, các nhà khoa học của những tài năng đặc biệt. Đồng thời được tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để họ có động lực phấn đấu làm việc.
Rõ ràng, nghị quyết của Quốc hội tạo ra động lực cả về nguồn lực về kinh tế tài chính, thu hút được đội ngũ giỏi, động viên được cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời chủ động về thẩm quyền. Như vậy, khi TP thực hiện một cách đồng bộ, khẩn trương, chặt chẽ và có hiệu quả sẽ tạo ra một nguồn lực đồng bộ cho sự phát triển của TP.
Tôi tin tưởng nếu TPHCM tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung của nghị quyết sẽ giải quyết được những ách tắc hiện nay, tạo động lực cho TP phát triển, mức tăng trưởng sẽ cao hơn, tổng sản phẩm xã hội nhiều hơn và đóng góp cho ngân sách cả nước nhiều hơn. Mặt khác, việc thí điểm thành công còn là thực tiễn sinh động để Trung ương có cơ sở nhân rộng ra các địa phương có tiềm lực khác hoặc là bổ sung vào những quy phạm pháp luật để áp dụng chung cho cả nước.
Hỏi ý dân, đánh giá tác động
- Nghị quyết của HĐND TP đặt ra giải pháp tăng phí, lệ phí cũng như mức thuế, thuế suất đối với một số mặt hàng, lĩnh vực. Khi triển khai nhóm giải pháp này, HĐND TP đặt ra các yêu cầu gì nhằm đảm bảo khi thực hiện sẽ không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như tạo được sự đồng thuận từ người dân?
* TPHCM đặt quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, việc thực hiện phải chặt chẽ, đúng quy định và đặc biệt phải có sự đồng thuận từ xã hội. Do đó, trước khi quyết định những vấn đề khó thì phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong một số vấn đề như chính sách thuế, phí và lệ phí thì tham khảo ý kiến của người dân và đánh giá tác động xã hội, bảo đảm môi trường đầu tư, sức chịu đựng của người dân.
Liên quan đến thuế, phí, không phải TPHCM thực hiện tăng giảm chỉ nhằm thu ngân sách mà còn là biện pháp điều chỉnh để quản lý xã hội, phát triển đô thị, tạo môi trường kinh doanh, môi trường sản xuất và đời sống xã hội lành mạnh hơn. TPHCM sẽ không dùng mệnh lệnh hành chính để cấm đoán, song sẽ sử dụng giải pháp kinh tế để khuyến khích hoặc hạn chế. Ví dụ, đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thì có thể chịu thuế, phí cao hơn.
- Một số lĩnh vực cụ thể, TPHCM muốn triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù thì phải có sự chấp thuận từ Trung ương. Đồng chí mong mỏi gì từ sự hỗ trợ, phối hợp triển khai nhằm đảm bảo các cơ chế, chính sách sớm được áp dụng tại TPHCM?
* Nghị quyết của Quốc hội với nhiều cơ chế khá thoáng cho TPHCM. Tuy nhiên, có một số vấn đề như việc tăng mức thuế, thuế suất liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường thì phải xin ý kiến của Trung ương. Nghị quyết cũng giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với TPHCM cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết. Tuy nhiên, trong những việc như vậy, trước tiên TPHCM phải có sự chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để các cơ quan Trung ương thẩm định, thẩm tra trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, TPHCM đã có sự chủ động, phối hợp và nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ các cơ quan Trung ương. Đây cũng là kinh nghiệm tốt trong việc chủ động phối hợp trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn đồng chí!