Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử.
Đến thời điểm hiện nay, TPHCM có gần 5,5 triệu cử tri với 3.092 tổ bầu cử. Công tác tuyên truyền thực hiện có trọng tâm, tạo được sự lan tỏa tích cực đến cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có nhiều sáng tạo. Các địa phương đã linh hoạt tổ chức kết hợp tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến, thuận lợi cho cử tri nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động.
Về công việc trọng tâm từ nay đến ngày bầu cử (ngày 23-5), Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tổ chức hội nghị để các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên. Hoạt động này cần hoàn thành muộn nhất vào 24 giờ trước ngày bầu cử.
Đồng chí cũng lưu ý UBND phường, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu để chủ động điều tiết phân chia thời gian bỏ phiếu. Khi tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên, các địa phương cần kết hợp cung cấp các thông tin thiết thực cho cử tri về ngày bầu cử, địa điểm bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu… Đồng thời, vận động người dân đi bỏ phiếu đúng thời gian quy định và lịch trình, nhằm bảo đảm tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.
Liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho hay, TPHCM đã có phương án bỏ phiếu trong điều kiện phòng chống, dịch Covid-19 với cụ thể phương án cho 4 tình huống.
Với tinh thần không lơ là, không chủ quan, đồng chí cũng yêu cầu Sở Y tế TPHCM tiếp tục bám sát tình hình, có giải pháp để công tác bầu cử đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo diễn biến tình hình trong nước, khu vực và thế giới. Các khu vực bỏ phiếu cần trang bị đầy đủ, có dự phòng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay, kịp thời phục vụ cử tri đến bỏ phiếu.
Trước sự biến động cử tri, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đã yêu cầu TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tiếp tục cập nhật danh sách cử tri, bám sát tình hình thực tế người dân sinh sống, làm việc tại địa phương. Các địa phương cũng cần đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, hệ thống thông tin viễn thông phục vụ bầu cử.
Một nhiệm vụ rất quan trọng được đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý là việc rà soát, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, cần chú trọng hoàn thiện lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự, đảm bảo an toàn PCCC… tại các khu vực bỏ phiếu.
Trước đó, báo cáo về tiến độ công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử, đồng chí Tăng Hữu Phong, Trưởng Tiểu ban Hành chính - Tổng hợp, Ủy ban bầu cử TPHCM, thông tin, toàn TPHCM có 10 đơn vị bầu cử ĐBQH với 50 ứng cử viên. Đến nay, TPHCM đã tổ chức được 79/97 hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ giữa những người ứng cử ĐBQH với cử tri để vận động bầu cử với gần 12.000 cử tri tham dự. Nhiều buổi tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến, thu hút gần 7.000 lượt cử tri dự.
Trong khi đó, TPHCM có 32 đơn vị bầu cử ĐB HĐND TPHCM với 158 ứng cử viên; đã có 136/164 hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức, thu hút hơn 16.300 cử tri tham dự. Nhiều buổi tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến.
Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn phối hợp với UBND cung cấp tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên ở tổ dân phố, tổ nhân dân. Tổng số hội nghị mạn đàm mà quận, huyện, TP Thủ Đức đăng ký là hơn 9.100; đến nay đã tổ chức được hơn 2.300 cuộc. TPHCM đang thực hiện công tác bầu cử đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo diễn biến tình hình trong nước, khu vực và thế giới.