Chiều 8-9, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì buổi giám sát về việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri.
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thông tin, buổi giám sát không nằm trong kế hoạch năm, nhưng qua thực tế phản ánh của cử tri qua nhiều kênh, như tin nhắn, cổng 1022, fanpage... Từ đầu năm 2022, HĐND TPHCM đã nhận được nhiều phản ánh của cử tri.
Cử tri huyện Bình Chánh đã phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, vấn đề rác thải; về xây dựng nhà ở trái phép và tiến độ giải quyết sau khi có kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Chỉ thị 23 trên địa bàn huyện.
Đã di dời 26 cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết, liên quan đến các cơ sở gây ô nhiễm xen cài trong khu dân cư, trong 8 tháng đầu năm, huyện đã kiểm tra 263 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó đã di dời được 26 cơ sở, ban hành 93 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, đã thực hiện xong 42 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 980 triệu đồng, còn 5 trường hợp đang củng cố hồ sơ chuẩn bị cưỡng chế thi hành....
Huyện đã nhận được 33 tin phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường. Trong đó, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B là hai xã có nhiều tin phản ánh ô nhiễm môi trường nhất. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết địa bàn huyện rộng, nhiều cơ sở từ nội thành di dời về mua đất, xây dựng nhà xưởng để hoạt động. Nhiều cơ sở phát sinh tiếng ồn, rung, mùi hôi nằm xen cài trong khu dân cư.
Địa bàn huyện Bình Chánh hiện cũng thiếu quỹ đất để di dời các cơ sở gây ô nhiễm, tái chế phế liệu và cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các dự án dầu tư khu công nghiệp trên địa bàn huyện không đồng ý tiếp nhận các cơ sở này.
Huyện Bình Chánh kiến nghị quy hoạch khu vực chuyên biệt cho hoạt động tái chế để di dời các cơ sở tái chế đang hoạt động xen cài trong khu dân cư trên địa bàn huyện. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện bố trí một phần (khoảng 20%) diện tích để tiếp nhận các cơ sở ngành nghề có phát sinh ô nhiễm môi trường khi thực hiện dự án đầu tư khu công nghiệp.
Huyện cũng đề xuất chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với các trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng chưa chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm.
Trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trong năm 2022 huyện đã lập hồ sơ xử lý 55 trường hợp vi phạm đất đai (xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, san lấp đất nông nghiệp), đã khắc phục xử lý 23 trường hợp. Huyện cũng lập hồ sơ xử lý 6 trường hợp vi phạm xây dựng (1 không phép và 5 sai phép).
Ông Nguyễn Văn Tài cho biết, các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng các năm trước còn tồn nhiều gây áp lực, quá tải với cán bộ, do mỗi xã chi có 2-3 công chức phụ trách việc này. Một số trường hợp còn tồn chưa xử lý từ giai đoạn 2009 đến nay đã thay đổi chủ sử dụng bằng cách mua bán giấy tay, hoặc hồ sơ lưu trữ không đầy đủ nên gây khó khăn trong công tác xử lý.
Việc cưỡng chế các công trình vi phạm cũng gặp khó khăn khi không thu hồi được chi phí cưỡng chế công trình vi phạm. Hiện huyện đã tạm ứng kinh phí với số tiền gần 5,5 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm, huyện tiếp nhận 10 trường hợp đơn thư phản ánh do HĐND TPHCM chuyển về, trong đó đã giải quyết được 9 đơn, hiện còn một đơn đang giải quyết.
Chủ yếu là vận động
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A Lại Thị Bích Trâm cho biết thêm, trên địa bàn xã có 70 cơ sở thu mua phế liệu, trong số này có khoảng 50% buộc phải di dời nơi khác. Ngoài ra còn có 25 cơ sở dệt nhuộm trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn nước. Tổng cộng, hiện trên địa bàn có khoảng 65 cơ sở phải di dời.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đặt vấn đề, thời gian qua cơ sở nào để xã vận động các hộ kinh doanh này đồng thuận di dời, trong khi chưa có quy hoạch, kế hoạch?
Trưởng phòng TN-MT huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Thảo cho biết, huyện có 701 cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, 8 tháng đầu năm kiểm tra 263 cơ sở.
“Huyện làm rất quyết liệt, nhưng để xử lý triệt để, di dời các cơ sở thì phải theo quyết định, theo lộ trình kế hoạch. Trong số 26 cơ sở đã di dời, là do huyện qua kiểm tra xử phạt và vận động thuyết phục được họ di dời, chứ không ra quyết định di dời được trường hợp nào”, bà Nguyễn Thị Thảo thông tin.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, các cơ sở này quy mô rất nhỏ, để di dời vào khu công nghiệp cũng không dễ. Mỗi cơ sở chỉ có khoảng 7-10 lao động, năng lực tài chính cũng không đủ. Nếu khu công nghiệp có tiếp nhận họ cũng không đủ năng lực tài chính để vào.
Cũng theo bà, chế tài về môi trường chưa đủ sức răn đe, cần áp dụng biện pháp ngưng cung cấp điện, nước mới xử lý được. Hiện chỉ phạt tiền và đình chỉ hoạt động. Chỉ tháng trước tới tháng sau là họ có thể thành lập một cơ sở mới, hoặc thay đổi pháp nhân ngay cả khi chưa thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước đó.
Các đại biểu trong đoàn giám sát đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các phản ánh của cử tri.
ĐB Lê Trương Hải Hiếu cho rằng TPHCM cần thực hiện chuyên đề về các cơ sở gây ô nhiễm xen cài trong khu dân cư. Trong thực tế có những cơ sở bị phản ánh gây ô nhiễm, khi tới kiểm tra mọi chỉ số đều bình thường. Nhưng trẻ con, người già quanh đó cứ bệnh hoài…
Buổi giám sát vẫn còn tiếp tục với nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm.
Huyện Bình Chánh chưa được cấp đủ kinh phí để chi hỗ trợ người dân khó khăn do Covid-19Hiện huyện Bình Chánh chưa được Thành phố cấp đủ kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Bình Chánh đã chi hơn 866 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện tạm ứng hơn 333 tỷ đồng. Huyện kiến nghị Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND TPHCM bổ sung kinh phí để huyện tiếp tục cấp phát hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng Covid-19 (đợt 3). Hiện trên địa bàn TPHCM còn có ba địa phương là huyện Bình Chánh, Củ Chi, quận Bình Tân chưa được cấp đủ kinh phí để chi cho việc này. Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu Sở Tài chính, Sở LĐTB-XH phối hợp giải quyết dứt điểm việc này. |