Chiều 30-7, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM đã thăm hỏi, tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... và động viên lực lượng phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận 3 (TPHCM). Mỗi phần quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cùng với 1 triệu đồng tiền mặt. Đoàn đã trao tặng 100 phần quà đến tay người dân, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt bảo vệ vùng xanh.
Tham dự cùng đoàn công tác có đồng chí Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM. Về phía lãnh đạo quận 3 có đồng chí Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy quận 3 cùng lãnh đạo các ban ngành đoàn thể của quận.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM đi thăm hỏi, tặng quà cho cụ Nguyễn Thị Thu Cúc (87 tuổi). Ảnh: VĂN MINH
Tại hẻm 145 Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), đồng chí Nguyễn Thị Lệ đã ân cần thăm hỏi sức khoẻ cụ Lê Thị Tràng (86 tuổi, mẹ liệt sĩ) và động viên gia đình cụ cố gắng vượt qua khó khăn. Cụ sống cùng với 3 người con đều đi làm thuê. Con gái cụ cho biết, nhà có 2 người chạy Grab, một người làm bảo vệ. Từ khi TPHCM thực hiện giãn cách, các con của cụ phải nghỉ việc ở nhà, cuộc sống gặp khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đã ân cần thăm hỏi sức khoẻ cụ Lê Thị Tràng (86 tuổi, mẹ liệt sĩ) và động viên gia đình cụ cố gắng vượt qua khó khăn. Ảnh: VĂN MINH
Thời gian qua nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ lương thực thực phẩm nên cũng an tâm ở nhà tránh dịch, không đi ra đường và hạn chế tiếp xúc người lạ để vừa bảo vệ bản thân vừa bảo vệ người mẹ đã lớn tuổi. Nhận được phần quà hỗ trợ, cụ Tràng rất vui mừng, gửi lời cám ơn và mong mỏi TPHCM sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình cụ Dương Thị Nguyệt (84 tuổi). Cụ Nguyệt sống cùng với người con gái trong căn nhà cấp 4. Con gái cụ đã gần 2 tháng nay phải nghỉ công việc, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm mà gia đình yên tâm ở nhà. Con gái cụ Nguyệt bày tỏ gặp khó khăn đi ra ngoài mua thuốc cho mẹ già do gia đình neo đơn, lại gặp lúc thành phố thực hiện giãn cách. Lắng nghe nguyện vọng của gia đình cụ Nguyệt, đồng chí Nguyễn Thị Lệ chỉ đạo ngay lãnh đạo địa phương phải chú ý, hỗ trợ gia đình, không chỉ trong việc cung cấp nhu yếu phẩm, kể cả việc đi mua giùm thuốc men cho cụ Nguyệt.
Lắng nghe nguyện vọng của gia đình cụ Dương Thị Nguyệt, đồng chí Nguyễn Thị Lệ chỉ đạo lãnh đạo địa phương phải chú ý, hỗ trợ gia đình. Ảnh: VĂN MINH
Sau khi tặng quà cho bà con, đoàn lãnh đạo TPHCM và quận 3 đã đi thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ ở 6 chốt bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn quận 3. Mô hình này bắt đầu từ chốt bảo vệ vùng xanh tại cư xá Đô Thành do người dân lập nên, tự quản lý và từ đó nhân rộng ra địa bàn quận 3. Mục đích là giữ bình yên, an toàn cho khu phố, cho gia đình của mỗi người dân.
Theo báo cáo từ quận 3, từ ngày ngày 23-7 đến nay, toàn quận đã chuyển hóa địa bàn từ vùng có dịch sang vùng xanh không có dịch là 7 khu phố trong tổng số 64 khu phố. Trong đó có 7 khu phố được xác định là vùng màu xanh, 10 khu phố màu vàng, 19 khu phố màu cam và 27 khu phố màu đỏ trên bản đồ Covid-19.
Đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ ở 6 chốt bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn quận 3. Ảnh: VĂN MINH
Tại hẻm 1074 Trường Sa (phường 12, quận 3) đa phần là bà con giáo dân. Từ vùng có nhiều ca mắc Covid-19 bị phong tỏa, giờ đây con hẻm đã chuyển hoá thành khu vực an toàn, thiết lập chốt bảo vệ “vùng xanh” không có dịch. Một trong những giáo dân tham gia tích cực chuyển hóa địa bàn thành công là anh Vũ Trung Thành (ngụ tại giáo xứ Bùi Phát). Anh Phát cho biết, tham gia vào tổ tự quản để cùng với người dân trong giáo xứ Bùi Phát trực chốt bảo vệ “vùng xanh”, tham gia tuyên truyền nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm giãn cách và hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm đến từng nhà cho bà con giáo dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi và động viên, tặng quà bà con giáo dân trong giáo xứ Bùi Phát. Ảnh: VĂN MINH
Sau khi đi kiểm tra từng chốt, đi đến từng ngõ, gõ từng nhà thăm hỏi động viên, trao tặng quà, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá, bà con ý thức cao và chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 12 của Thành ủy TPHCM. Trong đó bà con tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ trực tại các chốt bảo vệ “vùng xanh”. Đồng chí đánh giá rất cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong việc thực hiện nghiêm giãn cách triệt để, không để lây lan mới.
Mô hình chốt bảo vệ vùng xanh trên địa bàn quận 3. Ảnh: VĂN MINH
Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị của địa phương đã vào cuộc cùng với người dân. "Không kể người già hay trẻ nhỏ, người có đạo hay không có đạo đều cùng chung sức, chung lòng tham gia vào mô hình tự quản này", đồng chí cho biết và rất cảm động khi nhận được những chia sẻ của người dân tham gia trực ở các chốt tự quản, mỗi người ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để san sẻ khó khăn, giữ bình yên cho khu khố, cho chính gia đình và bản thân mỗi người.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, lãnh đạo TPHCM trân trọng ghi nhận và cám ơn sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm rất cao của người dân trong việc tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương đang sinh sống. Trong đó đánh giá rất cao ý thức tự giác, tự quản của người dân trong cộng đồng dân cư để cùng chung tay, chung sức với TPHCM đẩy lùi dịch bệnh.
Những mô hình hay và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch cần được lan tỏa, nhân rộng ra. Ảnh: VĂN MINH
Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn TPHCM có rất nhiều mô hình hay, cách làm mới và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Ở mỗi địa phương đều chủ động có những mô hình hay, cách làm mới đặc trưng cho từng nơi. TPHCM trân trọng ghi nhận và mong những cách làm mới, những mô hình hay và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch được lan tỏa, nhân rộng ra khắp mọi nơi.
Ngoài ra, về công tác chăm lo hỗ trợ người dân, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, TPHCM luôn quan tâm và có chính sách chăm lo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở các cấp đã vào cuộc chăm lo hỗ trợ người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để một ai thiếu lương thực thực phẩm, thiếu đói trong lúc này. Đồng thời cũng nhấn mạnh việc chăm lo có trọng tâm và đề nghị các địa phương rà soát để không bỏ một ai lại phía sau cũng như không hỗ trợ trùng lắp, hỗ trợ không đúng đối tượng.