Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định việc di dời, chăm sóc xà cừ cổ thụ tốn hàng chục triệu đồng mỗi cây, nhưng lại nảy sinh vấn đề, sau này sẽ trồng lại những cây này ở đâu; bởi không thể trồng lại xà cừ cổ thụ trên các tuyến phố nội ô.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, quy hoạch tuyến đường vành đai 3 có từ đầu những năm 1990. Ông Chung nhận định, lẽ ra ngay từ thời điểm đó, thành phố không nên trồng cây ở dải phân cách giữa tuyến đường này.
“Hiện trên tuyến đường này có khoảng 1.300 cây xanh, trong đó có những cây xà cừ cổ thụ đường kính từ 80-100 cm được trồng sau khi làm cầu Thăng Long. Những cây xà cừ còn lại có đường kính khoảng 35-40 cm, được trồng từ những năm 1991-1994”, ông Nguyễn Đức Chung thông tin.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội chia sẻ ý kiến của cử tri về việc bảo vệ và phát triển cây xanh trên địa bàn thủ đô, nhưng lưu ý rằng, kế hoạch di dời hoặc chặt hạ phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế khi thực hiện dự án.
“Chúng ta phải bỏ mất chục triệu đồng ra di dời, chăm sóc một cây xà cừ lớn, nhưng tới đây chưa biết trồng ở đâu. Tôi khẳng định không thể trồng xà cừ ở các tuyến phố, có thể chỉ đem ra trồng trong các công viên”, ông Chung nói.
Với những cây xà cừ lớn, thành phố cũng có kế hoạch di chuyển trồng ở bùng binh trên đường 5 kéo dài và đường Võ Nguyên Giáp. Song số bùng binh, công viên cũng không thể trồng được hết lượng cây xà cừ trên địa bàn thành phố.
“Nếu dự án mở rộng đường vành đai 3 chậm tiến độ (trong đó có lý do quan trọng là phương án xử lý số cây xà cừ hiện có) thì có thể ảnh hưởng đến dự án đường trên cao của Bộ Giao thông – Vận tải (vay vốn ODA của Nhật Bản). Cụ thể là nếu trong tháng 7 này Bộ Giao thông – Vận tải không khởi công được dự án thì nguồn vốn ODA bị cắt (từ 1-8), đẩy giá thành làm đường lên rất cao”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.