Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
Các mục tiêu đầu tiên của Ấn Độ với vai trò Chủ tịch G20 là tập trung đặc biệt vào chống khủng bố; ngăn chặn gián đoạn chuỗi cung ứng và thống nhất trong các vấn đề thế giới. Một quan chức cho biết Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết của việc đoàn kết để khắc phục sự chia rẽ giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023 sẽ là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất do Ấn Độ tổ chức những năm gần đây. New Delhi có cơ hội định hình chương trình nghị sự toàn cầu và ủng hộ tầm nhìn về chủ nghĩa đa phương. Vào tháng 9-2022, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, thay thế Vương quốc Anh. Được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mô tả là một “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nền kinh tế Ấn Độ dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm tài chính 2022, chỉ sau Saudi Arabia và nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế G7.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) nhận chuyển giao chức Chủ tịch G20 từ Tổng thống Indonesia Joko Widodo |
Chức Chủ tịch G20 mang đến cho Ấn Độ cơ hội định hình chương trình nghị sự hợp tác toàn cầu khi thế giới thoát ra khỏi bóng tối của đại dịch Covid-19. Tầm quan trọng của G20 phản ánh qua sức mạnh kinh tế: các quốc gia thành viên chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu và 60% dân số thế giới. New Delhi coi nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để nhấn mạnh vị thế mới nổi của mình với tư cách là một “cường quốc hàng đầu”, như Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã mô tả.
Kể từ khi giành được độc lập, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tích cực tham gia diễn đàn về các vấn đề như không phổ biến vũ khí hạt nhân, quy tắc thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và can thiệp nhân đạo. Là một phần trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ có kế hoạch tổ chức 200 cuộc họp của G20 tại các thành phố trên khắp đất nước, đưa Ấn Độ trở thành nhân tố quan trọng trong các chủ đề toàn cầu. Theo báo The Hindu, New Delhi trong lịch sử từng nêu những lo ngại thay mặt cho Nam bán cầu trong các diễn đàn đa phương, và chắc chắn họ sẽ tận dụng vai trò Chủ tịch G20 để làm điều tương tự.
Thế giới là một gia đình
Chủ đề mà Ấn Độ chọn cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình là “vasudhaiva kutumbakam” - tiếng Phạn có nghĩa là “Thế giới là một gia đình”. Khi công bố biểu tượng G20 năm 2023 - một bông sen, giống logo của đảng Bharatiya Janata cầm quyền của Ấn Độ - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lưu ý rằng thế giới hiện đang trải qua xung đột, hậu quả của “đại dịch ngàn năm có một” và sự không chắc chắn về kinh tế. Để vượt qua những thách thức này, Ấn Độ sẽ dựa vào kinh nghiệm đóng góp cho lợi ích toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao vaccine và tăng trưởng kinh tế tốt hơn mong đợi. Đó là cách thúc đẩy tốt nhất chủ nghĩa đa phương.
Trong năm lãnh đạo G20, Ấn Độ cũng không quên nêu bật các vấn đề quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tinh thần kinh doanh và đổi mới, công bằng khí hậu và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp lý. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức - chủ yếu là căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc lớn trong G20 và cuộc khủng hoảng uy tín mà các thể chế đa phương đang phải đối mặt. Nhiệm vụ theo đuổi sự đồng thuận toàn cầu của Ấn Độ sẽ là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Mức độ phân cực trong G20 thể hiện rõ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định bỏ qua hội nghị thượng đỉnh ở Bali tháng 11-2022, để Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thay thế. Sự cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, và việc đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại New Delhi vào năm tới là một thách thức riêng với giới lãnh đạo Ấn Độ. Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã đóng băng kể từ cuộc đụng độ quân sự chết người vào tháng 6-2020 qua biên giới chung của họ ở dãy Himalaya và căng thẳng có rất ít dấu hiệu giảm bớt.
Ấn Độ nhấn mạnh học thuyết tự chủ chiến lược trong tiếp cận ngoại giao của mình, theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích hơn là liên kết với bất kỳ cường quốc nào. Do đó, họ sẽ có toàn quyền trong việc triệu tập các nhà lãnh đạo G20 vào năm tới và đạt được kết quả đáng khích lệ vì lợi ích toàn cầu. Điều này tạo tiền đề cho Ấn Độ đóng vai trò cầu nối giữa các bên đối kháng thông qua ngoại giao và đối thoại. Bên cạnh đó, các xu hướng kinh tế vĩ mô xấu đi như thất nghiệp gia tăng, chi phí sinh hoạt tăng, khủng hoảng lương thực và năng lượng - đã làm trầm trọng thêm những thách thức với nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ. Khi các quốc gia hướng nội để giải quyết vấn đề trong nước, điều đó làm phức tạp thêm triển vọng hợp tác quốc tế. Theo quan điểm của Ấn Độ, New Delhi ủng hộ chủ nghĩa đa phương cải cách để các tổ chức quốc tế có trách nhiệm hơn và bao trùm hơn. Ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là mở rộng đại diện của Nam bán cầu trong các thể chế đa phương do Liên hiệp quốc (LHQ) lãnh đạo, bắt đầu bằng việc đại tu các tổ chức của LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an LHQ để phản ánh sự cân bằng quyền lực. Tại hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ gần đây, New Delhi đã thúc đẩy công bằng khí hậu và nhấn mạnh việc chia sẻ gánh nặng bình đẳng giữa Bắc và Nam bán cầu. Theo cách tương tự, Ấn Độ dự kiến sẽ thu hút rộng rãi các đối tác từ châu Phi, Nam Á và vịnh Ba Tư như một phần trong hoạt động mở rộng vị thế của G20.