Chuyến đi ấy của lãnh tụ Fidel Castro đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung về một người bạn lớn, người đồng chí chiến đấu và người anh em vô cùng thân thiết.
Chủ tịch Fidel Castro và cuộc mít tinh lịch sử
Chúng tôi đến nhà ông Dương Tú Anh (82 tuổi), nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1972 - 1976, hiện đang sống cùng gia đình ở TP Đông Hà. Thoáng ngạc nhiên về sự xuất hiện đường đột của tôi, nhưng khi biết chúng tôi tìm đến để biết thêm về câu chuyện ông từng tháp tùng chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro ngay tại mảnh đất anh hùng Quảng Trị vào năm 1973, thì ông vui vẻ tiếp chuyện. Ông kể rằng, việc Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 được giữ bí mật cho đến khi ngài gần đặt chân đến Quảng Trị. Chủ tịch Fidel Castro đã đi bộ khoảng 2km từ cầu Đông Hà (nay thuộc địa bàn TP Đông Hà) ngược lên phía Tây theo đường Trần Hưng Đạo ngày hôm nay, để thị sát những lô cốt, vũ khí của địch còn bỏ lại và chứng kiến nỗ lực của quân và dân Quảng Trị xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Đến đâu người dân Quảng Trị cũng dành sự cảm phục đặc biệt đối với lãnh tụ Fidel Castro - vị nguyên thủ quốc gia rất gần gũi, thân thiết nhưng lại hiên ngang, dũng cảm, không hề sợ gian nguy. “Lúc ấy, Chủ tịch Fidel Castro cùng đồng chí Phạm Văn Đồng vượt vĩ tuyến 17, qua cầu Hiền Lương đến với nhân dân nơi vùng khói lửa, chỉ cách căn cứ quân sự của Mỹ khoảng mười mấy cây số. Đến gần cầu Đông Hà, đoàn xe dừng lại, Chủ tịch Fidel Castro xuống xe, đi bộ để chào, bắt tay mọi người bằng những cử chỉ thân thương, gần gũi”, ông Dương Tú Anh nhớ lại.
Sau khi thị sát ở Đông Hà, lãnh tụ Fidel Castro ngược Đường 9 thăm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Rồi tiếp tục đi theo Đường 9 đến thăm Cứ điểm 241 Tân Lâm, mà Mỹ gọi là Căn cứ Carol nằm trên đồi cao, cách Đường 9 đoạn qua xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, khoảng 2km. Tại đây, lãnh đạo địa phương đã chọn một bãi đất rộng, ở phía dưới và nằm bên phải đường lên Cứ điểm 241 Tân Lâm, để tổ chức mít tinh nhân dịp Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị.
“Sáng 16-9-1973, Chủ tịch Fidel Castro tiến vào nơi tổ chức mít tinh, các cán bộ, chiến sĩ của ta chào đón và trao cho ông lá cờ bách chiến bách thắng lấp lánh huân chương của Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên Huế. Mọi người kể cho lãnh tụ Cuba nghe về khó khăn trong cuộc kháng chiến, cuộc sống của nhân dân Quảng Trị. Cảm phục trước sự anh dũng chiến đấu giành thắng lợi, Chủ tịch Fidel Castro không giấu nổi cảm xúc, rồi ngài ôm hôn những anh hùng, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Giữa hàng ngàn người dân, người đàn ông cao lớn ấy đã giương cao lá cờ mặt trận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, để cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam, trước cuộc chiến ác liệt. Chủ tịch Fidel Castro còn hô vang trước đông đảo chiến sĩ: Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn. Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”, ông Dương Tú Anh nhớ lại.
Đã 45 năm, nhưng ông Dương Tú Anh vẫn xem khoảnh khắc được vinh dự tham gia đoàn đón tiếp Chủ tịch Fidel Castro tại đất lửa Quảng Trị là lát cắt của cuộc đời hoạt động cách mạng của bản thân. Nhẹ nhàng đưa chiếc khăn thấm nhẹ giọt nước mắt lăn trên gò má, ông Dương Tú Anh kể tiếp, Chủ tịch Fidel Castro diễn thuyết ở Cứ điểm 241 Tân Lâm dài đến hơn 30 phút, nhưng ông không cần giấy tờ gì cả. Chủ tịch Fidel Castro ca ngợi tinh thần dũng cảm, sự can trường và chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta; tình đoàn kết anh em thủy chung Việt Nam - Cuba. Đứng trên Cứ điểm 241 Tân Lâm, chứng kiến cảnh hoang tàn do chiến tranh, Chủ tịch Fidel Castro gợi mở, cần sớm xây dựng nhà cửa và nông trường để khắc phục sự hoang tàn. “Trong bài diễn thuyết trước đông đảo nhân dân Quảng Trị, Chủ tịch Fidel Castro nói rất thoải mái, như tự phát từ trái tim. Phải là con người tầm cỡ và gắn bó về tình cảm với nhân dân Việt Nam thế nào, Chủ tịch Fidel Castro mới nói ra được những điều thiêng liêng về hai dân tộc như vậy”, ông Dương Tú Anh xúc động.
Người được Fidel Castro tái sinh lần 2
45 năm trôi qua, cô Nguyễn Thị Hương, ở phường 1, TP Đông Hà vẫn không quên khoảnh khắc may mắn trong cuộc đời mình, từng được Chủ tịch Fidel Castro cứu sống, để có được ngày hôm nay. Ngồi trước mắt tôi, người con gái từng bị đứt 8 khúc ruột năm xưa bây giờ đã là bà ngoại của 6 đứa trẻ, cô mở đầu câu chuyện: “Chủ tịch Fidel Castro đã sinh tôi ra lần thứ hai. Nếu không có sự xuất hiện của ngài lúc ấy chắc tôi không còn sống đến ngày hôm nay”.
Ngày ấy, khắp các làng quê Vĩnh Linh - Quảng Trị, bom đạn nhan nhản ẩn sâu dưới từng lớp đất khiến ruộng đồng tan hoang khi chiến tranh vừa mới đi qua. Tuổi 17, Nguyễn Thị Hương, nhà ở làng Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh tình nguyện xung phong đi theo Đoàn thanh niên xã đến chung tay khai hoang, phục hóa bằng việc san lấp những hố bom mà chiến tranh để lại. “Đúng 14 giờ ngày 15-9-1973, khi chúng tôi đang san lấp hố bom giữa cánh đồng, cách chân cầu Hiền Lương chừng 500m cùng hàng trăm thanh niên đang lao động khác thì bỗng nhiên một tiếng nổ như sét đánh vang lên. Người tôi đổ sụp xuống đất, máu chảy đầy, đau nhói. Cố gắng đứng dậy, tôi ôm bụng chạy mấy bước lên đường quốc lộ thì ngất xỉu, nằm xuống bên mép đường”, cô Hương nhớ lại và cho biết thêm: “Thật tình lúc mọi người đưa tui lên đường quốc lộ 1 với thân thể be bét máu, tôi cũng chẳng biết đoàn xe hôm ấy đang chở Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng tôi luôn nhớ hình ảnh một người đàn ông rất cao lớn, từ từ rẽ qua đám đông, tiến lại gần âu yếm vuốt đầu tóc tôi trước khi tôi ngất lịm… Khi tỉnh lại, tôi mới biết mình đang nằm trong Bệnh viện A Vĩnh Linh đóng tại xã Vĩnh Tú. Các y, bác sĩ nói rằng, tôi bị thương đứt 8 đoạn ruột, đứt động mạch mất máu rất nhiều, nếu không kịp thời đưa tới bệnh viện cấp cứu thì tôi đã chết rồi...”. Thì ra, đúng lúc cô Hương gặp nạn, đoàn xe chở Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi tới. Chủ tịch Fidel Castro đã cho dừng xe để nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đồng thời, khi biết cô Hương kiệt sức vì bị mất máu quá nhiều thì Fidel Castro đã chỉ đạo người trong đoàn đưa vào 10 chai máu khô truyền cho cô Hương, trước khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu các đoạn ruột bị đứt.
Bên người chồng là bác Lê Mạnh Kết, cô Hương chia sẻ: “Mới đây, đoàn làm phim Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đến Quảng Trị để quay bộ phim tài liệu “Tình yêu của Fidel với Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã đến gặp tôi quay phim và hỏi lại chuyện cũ. Tôi nói với họ rằng, cha mẹ đã sinh ra tôi lần thứ nhất, còn Chủ tịch Fidel là người đã tái sinh ra tôi lần thứ hai...”. Cô Nguyễn Thị Hương nhớ lại: “Điều trị ở Bệnh viện A Vĩnh Linh hơn một tháng thì tôi xuất viện và bất ngờ nhận được quà của Chủ tịch Fidel. Quà tặng chủ yếu là thuốc men để tôi điều trị vết thương và thuốc bổ được gửi từ đất nước Cuba xa xôi, khiến tôi và tất cả mọi người có mặt hôm đó đều xúc động vô bờ”.
Giờ đã có 6 cháu ngoại, nhưng mỗi khi gia đình hội tụ, cô Nguyễn Thị Hương đều kể cho các con, các cháu nghe chuyện về “người cha”- lãnh tụ Fidel Castro, vị Tổng tư lệnh của cách mạng Cuba, nhà lãnh đạo tiên phong, kiên trung của phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trên thế giới, đã tái sinh cô lần thứ hai. Khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sang thăm Cuba, cô Hương đã chụp ảnh gia đình, kèm theo một ít tiêu khô Quảng Trị, gửi sang tặng lãnh tụ Fidel Castro làm quà. Đáp lại, mỗi khi có phái đoàn Cuba sang thăm Việt Nam, lãnh tụ Fidel Castro đều gửi quà tặng chị Hương. Đặc biệt, năm 1985, lãnh tụ Fidel Castro mời cô Hương qua Cuba để kiểm tra sức khỏe và an dưỡng. Cô rất mừng, nhưng vì vừa sinh con nhỏ nên không thể đi được. “Tôi rất tiếc vì không có điều kiện gặp ông để nói lời cảm ơn”, cô Hương thật thà.
Cho đến bây giờ, Rất nhiều nhân chứng lịch sử của ngày ấy may mắn được đón tiếp Chủ tịch Fidel Castro vẫn không quên được khí thế vui mừng lúc ấy. Nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Trị Lê Văn Hoan xúc động bày tỏ: cán bộ và nhân dân Quảng Trị hết sức vinh dự, tự hào khi được đón Chủ tịch Fidel Castro, nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đến thăm vùng giải phóng. Đó là niềm khích lệ, động viên quân dân miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng tiếp tục chiến đấu tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chủ tịch Fidel Castro đã qua đời nhưng nhân dân Quảng Trị luôn khắc ghi hình ảnh của một nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại, người anh hùng của dân tộc Cuba và Việt Nam, người đã thắp sáng và không ngừng bồi đắp tình hữu nghị, đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Cuba.
VĂN THẮNG
---------------------------
Kỷ niệm 45 năm Chủ tịch Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam
Chiều tối 14-9, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao, Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba và Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị (9-1973 - 9-2018). Tham dự buổi lễ có Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Chính phủ nước Cộng hòa Cuba do đồng chí Salvado Valdés Mesa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba dẫn đầu. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba; Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Cuba, cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành và hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Chuyến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam của lãnh tụ Fidel Castro đã đem đến cho nhân dân Việt Nam tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ rất quý báu của nhân dân Cuba. Đặc biệt, sự hiện diện bất chấp hiểm nguy, gian khổ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro trên đất lửa Quảng Trị, Quảng Bình là nguồn cổ vũ, động viên hết sức to lớn đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam, cũng như nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với muôn vàn hy sinh, gian khổ.
Nhìn lại chặng đường 45 năm sau chuyến thăm lịch sử, một biểu tượng của phong trào quốc tế đoàn kết và ủng hộ Việt Nam, cũng là dịp để chúng ta bày tỏ sự tri ân đối với Fidel Castro, đối với Cuba cũng như bạn bè quốc tế. Sự ủng hộ, chia sẻ của Cuba cũng như của bạn bè quốc tế là động lực quan trọng với mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong thời chiến cũng như thời bình.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ: “Kỷ niệm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro là để tiếp lửa cho thế hệ mai sau, mãi mãi thắp sáng ngọn lửa đoàn kết chiến đấu anh em giữa hai dân tộc chúng ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba không ngừng nỗ lực gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, đoàn kết gắn bó giữa hai nước chúng ta. Việt Nam trước sau như một, sát cánh bên cạnh, đoàn kết và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Cuba”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba Salvado Valdés Mesa nhấn mạnh: “Trong chuyến thăm lịch sử 45 năm trước, lãnh tụ Fidel Castro đã bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam. Lãnh tụ Fidel Castro đã dạy cho chúng tôi rằng, người Việt Nam đủ khả năng đánh bại mọi quân xâm lược. Chính lãnh tụ Fidel Castro đã kêu gọi nhân dân Cuba ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng lại đất nước, thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”.
Đồng chí Salvado Valdés Mesa nêu rõ: Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba nhiệt liệt chúc mừng Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân và duy trì ổn định đất nước; đồng thời tái khẳng định ý chí, nguyện vọng tiếp tục kế thừa di huấn của các lãnh tụ, những người luôn luôn kế thừa và thúc đẩy truyền thống hữu nghị tốt đẹp, đặc biệt gắn kết giữa hai dân tộc.
NHÓM PV
--------------------
Hướng về tuyến đầu Tổ quốc trên biên giới Việt Nam - Campuchia
Ngày 14-9, đoàn công tác Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM về tuyên truyền tình hình phân giới, cắm mốc biên giới do bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm, tặng quà, khám bệnh, giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và nhân dân huyện biên giới Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Tham gia chuyến công tác gồm hơn 200 đại biểu đại diện Ủy ban MTTQ các quận huyện, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các giới đồng bào có đóng góp cho hoạt động của Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Hành trình sẽ đi qua các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum với nhiều hoạt động giao lưu, tặng quà cán bộ, chiến sĩ các đơn vị biên phòng đóng quân trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tham quan cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và nghe thông tin về tình hình tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đoàn bác sĩ Tâm Việt đi theo đoàn sẽ tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà, tổ chức bữa tiệc đại ngàn cho hơn 1.000 đồng bào dân tộc các xã của huyện Ngọc Hồi và vui Tết Trung thu với các em nhỏ tại đây.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu, thông qua chuyến đi nhằm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào nâng cao nhận thức về biên giới, hải đảo; động viên, chia sẻ khó khăn với các lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ vững an ninh trật tự, sự bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
HOÀI NAM