Việt Nam là trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam trên toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 13,2 tỷ USD và Ấn Độ hiện đang đầu tư gần 310 dự án ở Việt Nam. Quan hệ giữa TPHCM với Ấn Độ cũng không ngừng phát triển. TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo khu vực phía Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân 6,41%/năm, hàng năm đóng góp hơn 22% GDP và gần 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.350 USD/năm. Hiện Ấn Độ có 179 dự án tại TPHCM, kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt gần 1,5 tỷ USD. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thường xuyên được hai bên phối hợp tổ chức thành công, như: Tuần lễ ẩm thực Ấn Độ, Tuần lễ phim Ấn Độ, Lễ hội Văn hóa Ấn Độ, Triển lãm tranh Việt Nam - Ấn Độ, Lễ hội ánh sáng Ấn Độ, Trình diễn thời trang Áo dài Việt Nam và Sa-ri Ấn Độ, Lễ hội Sắc màu Holi, đặc biệt là Ngày Quốc tế Yoga… |
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; cùng các đồng chí lãnh đạo sở ban ngành TPHCM. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, tháp tùng đoàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM có buổi làm việc với Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ Prakash Nadda. Ảnh: VĂN MINH
Tại buổi gặp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Ngài Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ Prakash Nadda đã dành nhiều thời gian để trao đổi về công tác xây dựng Đảng, thu hút nhân tài.
Đồng thời, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ thời gian gần đây, đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có TPHCM.
Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ Prakash Nadda tiếp đoàn đại biểu cấp cao TPHCM. Ảnh: VĂN MINH
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 - 2022). Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, tiếp xúc cấp cao và trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân giữa hai nước; thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng chính trị ở Ấn Độ, trong đó có Đảng Nhân dân Ấn Độ.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã đến Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi – nhà lãnh đạo, vị Anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ. Đây là nơi nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi đã được hỏa táng chỉ một ngày sau khi bị ám sát.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã đến Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi. Ảnh: VĂN MINH
Nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi là nhà ái quốc vĩ đại và được coi là người cha của đất nước Ấn Độ độc lập. Ông đã từ bỏ cuộc sống quyền quý, từ bỏ nghề luật sư ở Nam Phi để trở về đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ.
Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM dành phút mặc niệm nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi, nhà ái quốc vĩ đại và được coi là người cha của đất nước Ấn Độ độc lập. Ảnh: VĂN MINH
Năm 1958, Bác Hồ đã đến viếng Mahatma Gandhi và trồng cây đại để tưởng nhớ. Cây đại ngày càng xanh tươi, tỏa bóng với mùi hương thơm ngát. Đây cùng là minh chứng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đại biểu cấp cao TPHCM chụp ảnh bên cây đại mà Bác Hồ đã trồng trong Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi . Ảnh: VĂN MINH
Cùng ngày, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã có buổi làm việc tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Sau đó đoàn đến gặp chào xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít Sitaram Yechury; thăm và trò chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.