Chủ động ứng trước để giữ chân lao động
Xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) có lực lượng lao động chuyên làm nghề biển khoảng 1.700 người, toàn xã có 483 tàu thuyền, trong đó có 160 tàu chuyên khai thác xa khơi. Mặc dù có lực lượng lao động dồi dào với nghề biển, nhưng để có đủ lao động đi biển, các chủ tàu cũng rất khó khăn để giữ chân lao động mỗi chuyến biển.
Tàu cá tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Anh Trịnh Văn Vinh, chủ tàu QNg-95229 TS xã Bình Châu, hành nghề lặn khai thác tại vùng biển Hoàng Sa, cho biết dự định xuất bến vào đúng rằm tháng giêng. Anh nói: “Do đặc thù là nghề lặn biển nên tôi rất khó tìm lao động, nghề này phải biết lặn và chịu được áp lực khi ở dưới nước. Người nào mới vào nghề thì lặn chỉ được 2 tiếng, người lặn lâu năm, có sức khỏe thì lặn khoảng 4 tiếng. Mỗi chiếc tàu sẽ cần các thợ lặn thay phiên nhau và đây là nghề nguy hiểm trên biển".
Anh Vĩnh nói thêm : “Nghề lặn bây giờ rất hiếm người đi, tôi phải tìm bạn thuyền từ vài tháng trước tết, thậm chí phải ứng trước 10-15 triệu đồng để giữ chân bạn thuyền”.
Tàu QNg-90575 TS của anh Tiêu Viết Thường (xã Bình Châu) sẽ xuất phát vào 16 tháng giêng âm lịch, hành nghề câu trên vùng biển Hoàng Sa, tàu dự kiến có 15 thuyền viên. Chủ tàu phải chuẩn bị lực lượng đi biển cả tháng do nhiều lao động khó khăn hoặc đổi qua làm nghề trên bờ.
Tàu cá ra khơi đánh bắt cá đầu năm tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Một thực tế đang diễn ra là nếu như trước kia ghe tàu ít, lao động đi biển nhiều, phải năn nỉ chủ tàu cho đi cùng hoặc các ngư dân cùng “góp lưới” với chủ tàu, thì nay phương tiện nhiều, thiếu lao động đi biển, các chủ tàu muốn giữ lao động thì phải đáp ứng yêu cầu lao động đưa ra. Như nghề lặn thì chủ tàu chi trước từ 10-15 triệu/phiên biển, các nghề lưới rê, lưới vây, lưới rút… thì chủ tàu giữ chân lao động từ 5-7 triệu/phiên biển. Nếu phiên biển lãi thì không sao, nếu lỗ thì lao động “nhảy tàu”.
Ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết: “Thực tế việc thuê theo thỏa thuận giữa lao động và chủ tàu, đặc biệt là nghề lặn, đã diễn ra nhưng địa phương rất khó để can thiệp khi lao động "nhảy tàu" hoặc hủy bỏ thỏa thuận với chủ tàu do các vấn đề về pháp lý. Hiện nay, nhiều chủ tàu ở xã Bình Châu phải thuê lao động các xã trong và ngoài tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa... để có đủ lao động xuất bến”.
Khi ngư dân rời biển vào doanh nghiệp
Tại xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có cửa biển Sa Cần, người dân gắn liền với nghề đi biển với 111 tàu, 600 lao động. Đây là địa phương nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, nơi mọc lên nhiều công ty, xí nghiệp…
Ông Lê Tấn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Hằng năm có khoảng 10-15 ngư dân rời nghề biển để làm cho các công ty, xí nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất để vừa gần nhà vừa phát triển kinh tế gia đình, thu nhập ổn định. Ngoài số ngư dân rời biển thì lớp lao động trẻ bây giờ hầu hết đều đi làm công ty chứ ít ai kế nghiệp biển”.
Tại cửa biển Sa Cần, ngư dân có nghề câu mực đang sửa sang lại thúng để ra khơi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tỉnh Quảng Ngãi có trên 4.500 tàu cá, lao động nghề cá 38.000 người, trong những năm gần đây, lao động nghề cá thiếu hụt nhiều. Nguyên nhân là lực lượng lao động trẻ mới không có bổ sung thêm, nhất là con của những chủ tàu, họ học hành đi làm các nghề khác, không tiếp nối nghiệp biển. Thu nhập thấp từ khai thác hải sản dẫn đến nhiều chủ tàu không đủ khả năng giữ chân lao động, nhiều lao động biển bỏ nghề để vào làm tại các khu công nghiệp”.
Người trẻ gắn bó với nghề biển ngày càng ít, họ chuyển qua làm công ty, xí nghiệp. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Mười cho biết đây là thực trạng chung và lao động nghề biển chỉ thực sự thu hút khi nghề cá phát triển mạnh.