1. Viện Đại học Cần Thơ được tiếp quản bởi một đoàn Quân quản do các ông Phạm Sơn Khai, Đặng Văn Bá và Nguyễn Kim Quang dẫn đầu. Sau đó ông Phạm Sơn Khai được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng, và Viện Đại học Cần Thơ được đổi tên lại thành Trường Đại học Cần Thơ.
Còn Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ, trước ngày đất nước thống nhất đã có kế hoạch đổi tên thành Khoa Nông nghiệp của Viện Đại học Cần Thơ (theo dự án viện trợ của Chính phủ Nhật Bản sẽ được thực hiện sau khi dự án Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn tất). Trường có nhiều khoa: Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản, Chế biến nông sản, Kinh tế nông nghiệp, Cơ khí nông nghiệp. Lúc đó tôi mới trở về trường được 28 ngày sau khi bảo vệ xong công trình tốt nghiệp bác sĩ nông học tại Khoa Nông nghiệp Đại học Kyushu, Nhật Bản. Được tiếp xúc với ban giám hiệu mới, anh chị em trí thức cũ của Viện Đại học Cần Thơ đều cảm thấy rất an tâm. Càng về sau, nhất là sau đợt sinh hoạt chính trị, chúng tôi nhận thấy mình rất may mắn có được một ban giám hiệu tiếp quản trường rất vui vẻ, cởi mở và rất tâm lý. Chúng tôi bắt tay vào tiếp tục hoạt động chuyên môn hàng ngày như lúc trước, mặc dù chưa ai được ban giám hiệu phân công gì cả. Tôi tiếp tục giảng dạy môn học Khoa học cây lúa, Phì nhiêu đất đai, Phép thí nghiệm đồng ruộng, Anh văn chuyên môn và quản lý Trại Thí nghiệm - Thực tập nông nghiệp 6ha với 6 công nhân nông trại.
Ông Hiệu trưởng Phạm Sơn Khai, mà chúng tôi quen gọi “chú Bảy Khai”, đã xếp bút nghiên đi tập kết ra miền Bắc từ 1954, trở về miền Nam ngay sau khi chấm dứt chiến tranh. Chú và các cán bộ khác tiếp quản trường đại học một cách hòa nhã, rất tôn trọng trình độ chuyên môn của từng giảng viên còn ở lại. Chú Bảy thường xuyên xuống các bộ môn và nông trại quan sát chúng tôi làm việc.
Bỗng một ngày đầu năm 1976, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Cần Thơ lăng xăng chuẩn bị tiếp một vị “khách trung ương”. Và người khách đó đã đến một cách giản dị, ôm siết chú Bảy Khai. Chú Bảy giới thiệu với đội ngũ giảng viên: “Đây là đồng chí Võ Văn Kiệt, bạn rất thân của chú lúc sống ở miền Bắc, giờ là Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh”.
Thế là chúng tôi may mắn được làm quen với đồng chí Võ Văn Kiệt. Qua chuyến thăm Trường ĐH Cần Thơ lần đầu tiên này, chú Sáu Dân rất chú ý đến công tác đào tạo và nghiên cứu về cây lúa của nhóm nông nghiệp. Chú căn dặn chúng tôi nên cố gắng tập trung cho cây lúa thế nào cho nông dân tham gia sản xuất, bảo đảm cho an ninh lương thực cả nước. Từ đó, chú Bảy Khai thỉnh thoảng lại được tiếp chú Sáu Dân mỗi khi chú Sáu đi công tác miền Tây. Mỗi lần như vậy tôi được dịp trình bày về nông nghiệp ĐBSCL, đặc biệt về tiến trình nghiên cứu cây lúa.
Chú Sáu ngợi khen thầy trò nông nghiệp của trường đã giúp nông dân đẩy lui giặc rầy nâu trên lúa cao sản và cho chúng tôi biết “Cán bộ các địa phương mê chương trình dạy trồng lúa trên truyền hình của Võ Tòng Xuân hơn xem cải lương”. Rõ ràng, Trường ĐH Cần Thơ là nơi chú Sáu luôn quan tâm về giáo dục và nông nghiệp của miền Tây.
2. Về mặt giáo dục và đào tạo của ĐBSCL, chú Sáu Dân có lần họp với Bộ GD-ĐT và lãnh đạo 13 tỉnh tại Tiền Giang, thấy nguy cơ vùng Tây Nam bộ là vùng trũng giáo dục mà chỉ có một trường đại học là không đủ, chú đã đề nghị nên có thêm một trường nữa để giảm áp lực cho Trường ĐH Cần Thơ. Và Tỉnh ủy An Giang đã nhanh chóng thực hiện, nộp đề án xin thành lập Trường Đại học An Giang, là trường đại học thứ hai của ĐBSCL ngay sau đó.
Thỉnh thoảng, khi cần tham khảo vấn đề nông nghiệp thì chú Sáu Dân cho mời tôi lên họp. Thật tình, chú rất quan tâm và tạo điều kiện cho giới trí thức miền Nam tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Mỗi người chú gặp, chú đều hỏi thăm, tìm hiểu đời sống gia đình, rồi mới hỏi việc làm chuyên môn có gì trở ngại không. Thậm chí khi cần, chú đã tạo điều kiện thuận lợi cho vợ con nhà trí thức được an cư để các nhà trí thức yên tâm công tác.
Làm việc với chú Sáu Dân, anh em trí thức chúng tôi rất thoải mái. Chú nói các nhà khoa học nên tư vấn chính xác các vấn đề khoa học cho chú nắm để cho hướng chỉ đạo. Khi chú quyết định sai về chính trị thì chú chịu trách nhiệm, nhưng khi chú quyết định sai về khoa học kỹ thuật thì các nhà khoa học phải chịu trách nhiệm. Vì thế chúng tôi đem hết tâm huyết và hiểu biết chuyên môn của mình để đối thoại với người lãnh đạo sáng suốt này. Trong lĩnh vực nông nghiệp của ĐBSCL, tôi rất yên tâm khi chú chỉ đạo ráo riết việc thiết lập các công trình thủy lợi như chương trình khai phá Đồng Tháp Mười, chương trình Tứ giác Long Xuyên và nhất là quyết định “sống chung với lũ” thay vì chống lũ triệt để.
Những dấu ấn chú Sáu để lại cho ĐBSCL không chỉ bấy nhiêu. Khi không còn làm Thủ tướng, người đồng bằng vẫn thấy ông lặn lội, sát cánh với vùng đất này, nhất là hai chương trình lớn về giao thông và giáo dục mà ông hằng ưu tư!