Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nghị quyết mới, động lực mới cho TPHCM phát triển

Từ trước đến nay và cả sau này, TPHCM là nơi động lực tăng trưởng cho cả nước. Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM lần này tạo ra nhiều động lực, nguồn lực mới cho Thành phố phát triển.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Phóng viên Báo SGGP trao đổi nhanh với Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh liên quan đến một số cơ chế, chính sách đặc thù này.

TPHCM là nơi động lực tăng trưởng cho cả nước

* Phóng viên: Thưa ông, từ thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, rút ra kinh nghiệm gì?

- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội VŨ HỒNG THANH: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM lần này để thay thế, mở rộng, bổ sung cho Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Phóng viên Báo SGGP trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUANG PHÚC
Phóng viên Báo SGGP trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUANG PHÚC

Quan điểm của tôi, rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54 ra, qua tổng kết đánh giá có một số cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội cho TPHCM đã đi vào trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, bối cảnh khách quan là do dịch Covid-19, TPHCM triển khai chưa được nhiều, chưa phát huy hết các cơ chế, chính sách để tạo thêm động lực phát triển.

* Quốc hội đã thông qua nghị quyết mới, ông kỳ vọng thế nào?

- Qua theo dõi, đánh giá, tôi cho rằng hiện nay TPHCM hơi bị "hụt hơi", đóng góp cho tăng trưởng GDP, đóng góp ngân sách về giá trị tuyệt đối vẫn cao nhưng giá trị tỷ trọng đang giảm dần.

Từ trước đến nay và cả sau này, TPHCM là nơi động lực tăng trưởng cho cả nước. Vì vậy, phải có các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để TPHCM phát triển.

Trong các cơ chế, chính sách nêu trong nghị quyết mới lần này, chúng tôi cũng đã tham gia xây dựng, góp ý rất nhiều. Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM lần này tạo ra nhiều động lực, nguồn lực mới cho TPHCM phát triển.

Tận dụng cơ hội, mở rộng không gian phát triển

* Trong khâu tổ chức thực hiện nghị quyết, ông quan tâm điều gì?

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, tôi kỳ vọng Chính phủ, TPHCM tận dụng cơ hội, mở rộng không gian khai thác để phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách trong nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng từ trước đến nay và cả sau này, TPHCM là nơi của động lực phát triển của cả nước. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng từ trước đến nay và cả sau này, TPHCM là nơi của động lực phát triển của cả nước. Ảnh: QUANG PHÚC

Ví dụ, trong Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, chúng tôi cũng đã nói về mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cần mở rộng thêm hơn nữa, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có cơ chế, chính sách cho mở rộng thêm diện tích thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Vì vậy, ngoài những điểm kết nối các công trình giao thông theo đường sắt trên cao, đường Vành đai 3, TPHCM cần tính toán có thể thêm những hạng mục công trình khác nữa để mở rộng, khai thác không gian này. Qua đó, giải quyết bài toán hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

TPHCM tận dụng nguồn lực đấy để tạo động lực phát triển cho cho đất nước, cho TPHCM. Bởi vì chúng tôi đánh giá rất cao dự địa chênh lệch địa tô của TPHCM. Nếu TPHCM mở rộng thêm phạm vi thực hiện các cơ chế, chính sách sẽ có thêm nhiều nguồn lực.

Trong đó, TPHCM có thể thực hiện đấu giá, đấu thầu thực hiện các dự án phát triển đô thị, phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngân sách trong thời gian tới.

Giải quyết nhanh các điểm nghẽn

* Hiện nay nhiều hợp đồng BT đã được ký kết trước khi có Luật PPP nhưng đến nay Nhà nước chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư. Đây là điểm nghẽn lớn của TPHCM?

- Đây là vấn đề mà chúng tôi nhận thấy cần tháo gỡ, xử lý hợp đồng BT đã ký trước ngày Luật PPP có hiệu lực.

Trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian vừa qua, tôi cho rằng chưa chuẩn, có thể bị trục lợi chứ còn các nước trên thế giới người ta dùng hình thức BT này rất thành công.

Trong đó, quá trình thực hiện, chúng ta đã xác định chi phí đầu vào, tức là công trình, xác định giá cao. Chi phí trả lại cho doanh nghiệp, mà lúc trước theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, giá đất bị tính thấp. Cho nên doanh nghiệp hưởng lợi nhiều, nhà nước bị thiệt cả đầu vào lẫn đầu ra.

Thế thì bây giờ, tôi cho rằng phải khắc phục cơ chế này. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cũng đã tạo cơ sở chính trị để cho triển khai đối với các dự án BT đã ký hợp đồng trước đây tại TPHCM.

* Có nghĩa là phải có quỹ đất và xác định lại giá trị?

- Qua theo dõi, chúng tôi thấy có một số các dự án đã xác định được quỹ đất để TPHCM xử lý tồn tại này. Một số trường hợp chưa xác định được quỹ đất, thì trong thời gian tới phải xác định quỹ đất để cho Thành phố thanh toán lại cho doanh nghiệp.

Theo tôi, quan trọng là xác định giá trị của quỹ đất để thanh toán ngược lại cho nhà đầu tư nhằm đảm bảo đúng giá trị, tránh thiệt hại cho Nhà nước.

* Trong nghị quyết có cơ chế đặc thù về đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu, trong quá trình thực hiện TPHCM lưu ý gì?

- Trong nội dung này, một vấn đề nữa tôi quan tâm đó là trong Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau này đưa vào trong Luật PPP, không đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu.

Nguồn lực Nhà nước có hạn trong khi nhu cầu đầu tư các tuyến đường hiện hữu là rất lớn. Vì vậy để giải quyết bài toán thu hút nguồn lực xã hội, nghị quyết mới đã cho phép TPHCM thực hiện theo hình thức BOT.

Thực tiễn chúng tôi giám sát, rất nhiều trạm thu phí đặt không đúng chỗ. Người dân sống xung quanh trạm bị ảnh hưởng, mất thêm chi phí không hợp lý.

Vì vậy, tôi cho rằng, TPHCM phải chọn và có cơ chế, chính sách để xử lý vấn đề này một cách hài hòa, hợp lý, tránh xảy ra khiếu kiện, mất an ninh trật tự ở các dự án mà sau này TPHCM được phép thực hiện dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu.

Một tấm áo mới cho cơ thể cường tráng, vạm vỡ của TPHCM

* Phóng viên: TPHCM cần một tấm áo mới, rộng hơn cho phù hợp với một cơ thể đang cường tráng, vạm vỡ?

- Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: Nhìn tổng thể thời điểm này, những quy định của Nghị quyết 54 của Quốc hội được xem như tấm áo đã chật so với một cơ thể đang rất cường tráng, vạm vỡ của TPHCM. Tấm áo này đã không còn vừa vặn nữa với TPHCM. Vì vậy đòi hỏi chúng ta phải có một nghị quyết mới dành cho TPHCM.

* Bà kỳ vọng thế nào khi Quốc hội vừa thông qua nghị quyết?

* Nghị quyết mới đã quy định rất nhiều các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TPHCM. Tôi kỳ vọng, cùng với việc Chính phủ phân cấp, phân quyền cho TPHCM nhiều hơn, tự chủ nhiều hơn trong nhiều công việc thì đi đôi với đó là trách nhiệm của TPHCM cũng rất nặng nề.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QUANG PHÚC

TPHCM phải tận dụng thời cơ, triển khai ngay và triển khai một cách đồng loạt các giải pháp thực hiện các cơ chế, chính sách được nêu trong nghị quyết mới. Vì vậy, TPHCM không được phép có độ trễ, sẽ lỡ mất cơ hội.

* Bà đánh giá thế nào về yếu tố con người thực thi chính sách?

- Trong nghị quyết lần này rất quan tâm đến bộ máy, đội ngũ con người. TPHCM được tự chủ nhiều hơn trong xây dựng đội ngũ cán bộ, thậm chí là thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền của TPHCM, thậm chí là chế độ thu hút nhân tài.

Tôi tin chắc, khi tham mưu để xây dựng nghị quyết này thì TPHCM đã có rà soát tổng thể về các nguồn lực của mình, để làm sao thực hiện được tốt nhất các cơ chế, chính sách nêu trong nghị quyết mới. Cơ chế, chính sách có hay đến đâu mà quá trình thực thi không tốt thì sẽ không mang lại kết quả tích cực.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là đội ngũ thực thi chính sách. Bên cạnh năng lực sẵn có của đội ngũ cán bộ TPHCM, tôi rất mong muốn họ vào cuộc với tất cả sự nhiệt huyết và quyết tâm của mình, để triển khai thực hiện nghị quyết thắng lợi trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục