Ngày 24-10, thảo luận tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, thành viên Thường trực Ban Bí thư cho rằng, năm 2017, tình hình khó khăn, thách thức nội tại lớn, thiên tai phức tạp nhưng chúng ta đạt được thành tựu như vậy là sự cố gắng lớn, cần được ghi nhận.
Có 3 nguyên nhân đạt tới kết quả này mà Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra là: sự tập trung lãnh đạo rất sát sao của Đảng, Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp; Đảng, Nhà nước đã tập trung có một số quyết sách để giải quyết những vấn đề yếu kém tồn tại lâu: xử lý nợ xấu, các dự án thua lỗ, yếu kém.
Đây là những quyết sách cụ thể, thấy rõ hướng đi, sẽ được tiếp tục lan tỏa trong thời gian tới; Đảng, Nhà nước đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, qua đó tạo niềm tin cho nhân dân, làm cho tất cả các hoạt động trong xã hội dần đi vào nề nếp; có tác dụng cảnh tỉnh, phòng ngừa và cảnh báo, tạo môi trường sản xuất kinh doanh tốt hơn, góp phần vào tăng trưởng.
3 tháng cuối năm, để đạt chỉ tiêu GDP 6,7% theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng đòi hỏi phấn đấu quyết liệt và sẽ rất khó khăn.
“Nếu cứ bình bình sẽ không đạt mà phải có đột phá. Quan trọng vẫn phải là phát triển bền vững, không phải phát triển bằng mọi giá. Đạt được chỉ tiêu cũng tốt, nhưng nếu đạt bằng mọi giá thì không nên”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu quan điểm.
Đáng chú ý, theo ông Vượng, nền kinh tế chúng ta hiện nay, nếu phân tích kỹ sẽ thấy sự phát triển mạnh nằm ở khối doanh nghiệp FDI. Điều này phải hết sức chú ý. Để lâu dài như vậy chưa hẳn đã tốt, vì nội lực của nền kinh tế mới là quan trọng. Đầu tư nước ngoài phải là bổ sung nội lực để chúng ta phát triển chứ không phải khiến chúng ta phụ thuộc.
"Lâu nay chúng ta nói là chủ trương nội địa hoá, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là chỗ này. Hiện tại thì tốt nhưng lâu dài cần phải xem kỹ. Đừng để Samsung họ rút đi thì chúng ta chả còn gì”, ông cảnh báo.
Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, phải làm sao huy động được nguồn lực rất lớn còn nằm trong dân, vì vàng, tiền, ngoại tệ còn trong dân rất lớn.
“Chủ trương BOT là rất đúng, cần nói rõ những tích cực trong huy động nguồn lực xã hội để làm hạ tầng. Quan trọng là ngăn chặn lợi dụng BOT để làm không đúng, không phải là tay không bắt giặc mà anh phải bỏ tiền vốn của anh ra để làm. Ngân sách Nhà nước không thể làm tất cả, phải làm BOT, nhưng phải làm minh bạch, đúng quy định”, ông Trần Quốc Vượng nêu.
Về phát triển kinh tế tư nhân, theo ông, cái chính là huy động nguồn lực trong dân, khuyến khích đầu tư vào sản xuất.
Bên cạnh đó, phải quan tâm rất nhiều về ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Không chỉ trồng rừng, mà phải thay đổi nhận thức, làm sao để xây dựng từng công trình dù lớn hay bé đều phải ứng phó với biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là nhãn tiền, từng vùng phát triển từ Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL đều phải có quy hoạch ứng phó biến đổi khí hậu.
“Nhiều người dân ở Tây Bắc nói cả trăm năm nay không có chuyện lũ bất thình lình đổ về như vậy”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu.
Cuối cùng, phải tập trung xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, vận hành hiệu quả. Trung ương đã có nghị quyết, vấn đề là làm tốt để tạo sức mạnh, động lực.