Vẫn thiếu gay gắt đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt
Việc tổ chức Phiên giải trình đối với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018” của UBTVQH.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng qua giám sát, Hội đồng Dân tộc cho rằng, vẫn còn nhiều mục tiêu đề ra không đạt.
Vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang hết sức gay gắt, bức xúc tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
“Hiện vẫn còn hơn 24.500 hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt. Đây là nguyên nhân chính làm cho kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao và vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS và MN) là “rốn nghèo” của cả nước, công tác giảm nghèo ở các vùng này ngày càng khó khăn, phức tạp hơn”, ông Chiến nhấn mạnh.
Sớm bố trí 1.000 tỷ thực hiện Quyết định 2085 và 2086
Thừa nhận thực tế kể trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, ở đây có trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. Ông Chiến tự kiểm điểm: “Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng tự nhận thấy bản thân chưa thuyết phục được các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan có trách nhiệm thu xếp nguồn vốn thực hiện chính sách. Chúng ta đưa ra mục tiêu nhưng không có nguồn lực thực hiện”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm bố trí vốn để thực hiện các Quyết định số 2085/QĐ–TTg (phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và MN giai đoạn 2017 – 2020) và Quyết định số 2086/QĐ – TTg (phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025).
Ông Đỗ Văn Chiến nhìn nhận, giai đoạn tới, cần đổi mới cách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo hướng tiếp cận sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chỉ là một dự án hợp phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hiện thực hoá chủ trương thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc thiểu số và giữa các vùng miền. Ông nói: “Chúng tôi cũng vẫn tha thiết đề nghị ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, MN có địa chỉ rõ ràng, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan kiểm tra, giám sát và Quốc hội ấn định nguồn lực thực hiện".
Được mời cùng làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, dù rất nỗ lực nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đối với ngân sách cho vùng DTTS, MN, bố trí vốn đạt thấp vì giai đoạn vừa qua chúng ta ban hành quá nhiều chính sách, quá nhiều chương trình nhưng không bám sát được khả năng cân đối nguồn lực.
Bên cạnh đó, các chính sách được triển khai trên địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số sống xa nhau, đối tượng hỗ trợ lớn, các địa phương vì vậy cũng cần nhiều thời gian để lập dự án, xác định đối tượng, trình các cấp để có cơ sở bố trí vốn… Một số trường hợp địa phương tổng hợp không chính xác, nên khi bố trí về cho địa phương cũng không hiệu quả.
Về hai Quyết định 2085, 2086 của Thủ tướng Chính phủ được ông Đỗ Văn Chiến đề cập, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Do các Quyết định này ban hành sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không có cách gì để bố trí được cả. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Chính phủ, sử dụng dự phòng của đầu tư công trung hạn để bố trí 1.000 tỷ đồng cho 2 chương trình này. Trong thời gian tới, nếu Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, MN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc, các cấp các ngành nghiên cứu tham mưu và tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện tốt chương trình này.
Kết luận Phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thống nhất sẽ tích hợp các chính sách phát triển DTTS, MN thành một Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, để thực hiện từ năm 2021, trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chính sách giai đoạn vừa qua.