Chủ nguồn thải phải có trách nhiệm giảm kích cỡ chất thải cồng kềnh

Chất thải cồng kềnh là loại chất thải rắn có kích thước lớn (giường, tủ, bàn ghế, nệm cũ, hư hỏng) vừa khó xếp lên xe vận chuyển lại vừa khó cuốn ép, xử lý. Do kích thước lớn, chiếm diện tích các thùng chứa nên các đơn vị thu gom, nhất là lực lượng thu gom rác dân lập thường từ chối thu gom chất thải cồng kềnh.

Muốn được thu gom, phải trả tiền?

Hiện người dân TP không khó để bắt gặp những chiếc ghế sofa, nệm, giường, tủ hư hỏng có kích thước lớn nằm ngổn ngang trên mặt cầu, khu đất trống, các tuyến đường giáp ranh giữa các quận, huyện.

Đường Điện Biên Phủ, khu vực gần cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh thường xuyên xuất hiện ghế sofa, nệm, giường, tủ hư hỏng vị vứt bỏ. Tình trạng còn phức tạp hơn ở tuyến đường số 1, phường An Phú, TP Thủ Đức. Dọc tuyến đường này không chỉ giường, tủ, ghế sofa, nệm mà cả bồn cầu hư, tủ thờ, bàn thờ ông địa cũng bị bỏ vô tội vạ ra đây. Một số tuyến đường khác như đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh nối dài… Chất thải cồng kềnh xả bừa bãi ra môi trường công cộng đã và đang gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông và gây nhiều bức xúc cho người dân.

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện nay, người dân muốn bỏ chất thải cồng kềnh thì phải có thỏa thuận (trả phí riêng) với người thu gom rác thì họ mới vận chuyển đi cho. Giá giao động khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng tùy khối lượng phát sinh. Một số người thiếu ý thức sẽ lén bỏ trộm ra các khu vực trống.

Anh Trần Minh Toàn, nhà ở đường số 5, phường An Khánh, TP Thủ Đức cho biết, hôm rồi anh có dọn nhà, có cái tủ gỗ (rộng khoảng 1m, cao khoảng 1,5m) cần thanh lý, anh mang ra để chung với rác thải sinh hoạt, thế nhưng đơn vị thu gom chỉ gom bịch rác sinh hoạt còn cái tủ gỗ thì để lại. Hai hôm sau anh phải chi 200.000 đồng cho người thu gom rác rồi họ mới chuyển đi cho. Tiễn một bộ sofa cũ ra khỏi nhà, bỏ đi một cái đệm cũ phải chi ít nhất 200.000 đồng, anh Toàn thấy hơi vô lý, trong khi mỗi tháng mình đã phải đóng gần 80.000 đồng tiền rác.

20240703_063732.jpg
Chất thải cồng kềnh bỏ không đúng nơi quy định trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh MINH HẢI

Một công nhân thu gom rác dân lập (thuộc Công ty TNHH MTV Phan Lê) tại phường An Khánh, TP Thủ Đức cho biết, lý do họ không nhận gom các loại chất thải cồng kềnh là vì kích cỡ quá lớn và phương tiện thu gom không đủ sức chứa. Nếu người dân chia nhỏ hay tháo rời hàng cồng kềnh ra thì họ mới thu gom như rác sinh hoạt bình thường được.

Mặc dù, người thu gom giải thích như vậy, thế nhưng, chỉ cần người dân đặt vấn đề sẽ đưa thêm tiền thì công nhân này đồng ý luôn. Nếu không đạt được thỏa thuận với người thu gom thì người dân phải thuê xe ba gác chở đi, nhưng rồi không biết các loại chất thải này sẽ đi về đâu? Tình trạng phải trả thêm tiền thì các loại chất thải cồng kềnh mới được thu gom không chỉ diễn ra ở phường An Khánh, TP Thủ Đức mà đang diễn ra ở nhiều quận, huyện. Nhiều người dân thắc mắc, sao cùng là rác sinh hoạt lại có sự phân biệt như vậy ? Chính sự bất cập này đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất thải cồng kềnh bị lén bỏ trộm ra môi trường một cách vô tội vạ.

Tăng cường công tác quản lý

Để tăng cường công tác quản lý trong việc thu gom, vận chuyển chất thải cồng kềnh, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã có chỉ đạo các sở, ban ngành cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc triển các giải pháp xử lý. Cụ thể:

Sở TN-MT TPHCM đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban ngành UBND các quận, huyện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc thải bỏ các loại chất thải cồng kềnh.

Sở Xây dựng TPHCM phải có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư tòa nhà phải bố trí điểm tập kết chất thải cồng kềnh phù hợp trong quá trình cấp phép xây dựng.

Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM phải có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc giám sát các phương tiện vận chuyển chất thải cồng kềnh, nhất là việc giám sát bằng hệ thống camera.

Đối với Công an thành phố, cần chỉ đạo công an cấp huyện, xã trong việc xác minh (nhân thân, hành vi) khi có hình ảnh, video trích xuất từ camera giám sát đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về thải bỏ chất thải cồng kềnh không đúng nơi quy định….

Đối với UBND quận, huyện, thành phố yêu cầu các địa phương chỉ đạo đơn vị vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn có bố trí và tiếp nhận chất thải cồng kềnh tại các trạm trung chuyển. Tổ chức lắp camera giám sát tại các vị trí thường xuyên phát sinh chất thải cồng kềnh thải bỏ không đúng quy định; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp địa phương đã công bố dịch vụ thu gom mà người dân không tuân thủ.

20240703_102229.jpg
Chất thải cồng kềnh ở đường số 1, phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM

Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cũng yêu cầu chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm tháo dỡ, thu gom, giảm kích thước, thể tích chất thải bỏ đến mức có thể lưu chứa được trong phương tiện thu gom rác trước khi vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc cơ sở xử lý. Trường hợp không thể tự tháo dỡ, giảm kích thước tại nơi phát sinh chất thải thì phải thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ tháo dỡ này theo thỏa thuận cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích chủ nguồn thải đẩy mạnh công tác phân loại đối với chất thải cồng kềnh. Theo đó, chất thải cồng kềnh sau khi tháo dỡ phải được phân loại thành các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải.

Tin cùng chuyên mục