Chú Nghị Đoàn - Dấu ấn với cộng đồng người Hoa


Chú Nghị Đoàn (Sáu Lâm) vừa rời xa cõi tạm vào ngày 1-11 ở tuổi 92, để lại niềm thương nhớ cho những người từng có cơ hội tiếp xúc và làm việc chung với chú. Chú là một cán bộ lãnh đạo người Hoa có 72 năm tuổi Đảng, gắn bó với công tác Dân vận, Hoa vận từ mũi Cà Mau tới Bạc Liêu, tới Sài Gòn - Gia Định. 

Chú cũng từng là Trưởng ban Công tác người Hoa TPHCM, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND quận 5. Đọng lại trong tâm trí những người anh em, đồng bào, đồng chí, là hình ảnh người cán bộ Nghị Đoàn gần gũi, suốt cả cuộc đời luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của dân tộc.

Hãy nhớ mình là “người Hoa Việt Nam”

Chú Nghị Đoàn tên thật là Nghị Lương Tòng, sinh năm 1928, trong một gia đình nông dân nghèo người Hoa tại huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau). Thuở nhỏ, chú đã được ông nội dạy Kinh thi bằng chữ Hán. Khi phong trào Thanh niên tiền phong nổi lên, cha khuyến khích chú tham gia để “học hỏi anh em”. Khi Việt Minh giành chính quyền về tay nhân dân, chú Nghị Đoàn được phân công làm thư ký ở ấp, rồi được cử đi học lớp cán bộ Việt Minh đầu tiên của quận Cà Mau. Khi Hội Giải - Liên (Hội Liên hiệp Giải Phóng) tỉnh Bạc Liêu được thành lập, chú làm thư ký cho hội. Năm 1947, chú thoát ly gia đình đi “làm cách mạng chuyên nghiệp”, như chú thường nói.

Đồng chí Nghị Đoàn đã neo vào lòng người ở lại sự kính trọng, thương yêu

Chú Nghị Đoàn có sức ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động cách mạng của người Hoa tại miền Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng. Chú từng là Trưởng ban Hoa vận thị xã Bạc Liêu những năm 1952-1953, Trưởng Ban Hoa vận Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định những năm 1961-1976. Từ năm 1967, chú là Khu ủy viên, Trưởng ban Công tác người Hoa TPHCM. Chú là Đại biểu Quốc hội khóa VI. Chú có 2 giai đoạn làm Chủ tịch UBND quận 5, từ 1976-1984 và từ 1987-1991.

Rời chức Trưởng Ban Công tác người Hoa TPHCM để nghỉ hưu theo chế độ, chú tiếp tục cống hiến thêm một thời gian nữa ở nhiệm vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM và Chủ tịch Hội Khuyến học quận 5. Với những đóng góp của mình, chú từng được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen các cấp.

Có may mắn được làm việc chung với chú Nghị Đoàn ở nhiều vị trí khác nhau, chị Trương Tứ Muối, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM vẫn nhớ mãi lời chú dặn dò. Đó là nhiệm vụ của Ban Công tác người Hoa phải định hướng cho giới trẻ, sao cho vừa hồng vừa chuyên, không được tự mãn với trình độ chuyên môn của mình mà phải rèn bản lĩnh chính trị, giữ vững bản sắc dân tộc, cùng vận động thuyết phục đồng bào Hoa đóng góp cho sự phát triển chung. Gặp gỡ doanh nghiệp người Hoa, chú dặn dò đừng phụ thuộc vào hàng ngoại, mà phải cố gắng làm ra được hàng Việt Nam chất lượng cao. 

Chú Nghị Đoàn luôn nhắn nhủ, hãy nhớ mình là “người Hoa Việt Nam”, với bản sắc riêng là đã cùng các dân tộc anh em trên mảnh đất này, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp tham gia kháng chiến, đóng góp nhân lực, tài lực và hy sinh xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Chú luôn mong muốn giới trẻ trân trọng và phát huy truyền thống đó. Về Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM, đảm nhận vị trí Chủ tịch hội đầu tiên, chú dặn đi dặn lại: Làm gì có ích cho xã hội, cho dân tộc, làm ra những tác phẩm biết nói, có hồn, xây dựng nhân cách con người, chứ đừng làm những tác phẩm chết. Đừng để kinh tế thị trường làm lu mờ đi những giá trị tốt đẹp của dân tộc. 

Những lời dạy ân cần, cùng với chất giọng hào sảng của chú Nghị Đoàn đã neo vào lòng người ở lại sự kính trọng, gieo những hạt mầm tốt đẹp để các thế hệ cán bộ người Hoa sau này tiếp tục vun trồng, góp hương thơm trái ngọt cho đời.

Cần “học giỏi chữ Việt, học tốt chữ Hoa”

Chúng tôi - những người Hoa trẻ, sinh ra sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, may mắn là vào những năm 1990, được tham gia hoạt động văn hữu của Báo SGGP Hoa văn, nhờ vậy chúng tôi luôn được gặp chú Nghị Đoàn khi ấy đang giữ cương vị Trưởng ban Ban Công tác người Hoa TPHCM. Sau khi tôi chính thức được trở thành phóng viên của báo, tôi càng có nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với chú. 

Đến tận hôm nay, trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ như in bài phát biểu của chú trong cuộc họp mặt sinh viên của hội quán người Hoa. Lúc bấy giờ, số lượng sinh viên người Hoa chưa nhiều, chú cổ vũ đồng bào người Hoa dẹp bỏ tư tưởng lạc hậu, không phải chỉ cần làm giỏi kinh tế mà còn phải có học thức. Đặc biệt, chú luôn rất yêu quý các thanh niên người Hoa “học giỏi chữ Việt, học tốt chữ Hoa”; chú luôn dặn dò thế hệ thanh niên người Hoa chúng tôi phải tiến vào thành trì của khoa học kỹ thuật, học giỏi để phụng sự Tổ quốc Việt Nam, có như vậy mới theo kịp xu thế phát triển của đất nước. Có thể nói, mỗi một dịp được nghe chú Nghị Đoàn phát biểu là tôi lại được học một bài học mới, rất hữu ích. 

Trong thời gian làm Trưởng Ban Công tác người Hoa thành phố, chú Nghị Đoàn rất quan tâm về bảo tồn văn hóa ngôn ngữ của đồng bào người Hoa. Chú là người tập hợp các nhà giáo dục tiếng Hoa tâm huyết và các mạnh thường quân người Hoa thành lập Hội Bảo trợ dạy môn Hoa văn TPHCM. Kể từ đó, nhiều học sinh tiếp tục có điều kiện đến trường trong tình hình đất nước còn khó khăn. Nhờ đó mà hôm nay có hẳn một thế hệ thanh niên người Hoa “học giỏi chữ Việt, học tốt chữ Hoa”, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của TPHCM.

Với tuổi “cửu thập lai hy” được gia đình và Nhà nước chăm sóc, nhiều năm nay, sức khỏe ngày càng suy yếu, có lúc chú ở hẳn trong Bệnh viện 7A để tiện theo dõi sức khỏe. Một dịp, tôi đến thăm chú, vẫn nụ cười hiền từ, chú gắng mở to mắt và nhìn tôi, lúc ấy tôi tự nhủ thầm chắc chú sẽ không nhớ rõ tôi là ai. Tuy nhiên sau một hồi như cố gắng lục lại trí nhớ của mình, chú buột miệng: “A, Kỳ Lân phải không?” làm tôi cay xè mắt. Tôi tâm sự với chú về công việc gần đây của tôi, chú dặn dò: Tốt lắm, từ công tác văn hóa chuyển sang lĩnh vực kinh tế, dù ở cương vị nào cũng nhớ kiến thiết, đóng góp thật tốt cho đất nước Tổ quốc Việt Nam nhé.

Tin cùng chuyên mục