Chú Hai xây cầu

“Hai Lúa” là cái tên thân thương mà người dân quanh vùng thường gọi ông Nguyễn Văn Bé Hai (68 tuổi, ngụ xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn có tấm lòng thiện nguyện, nhiệt tình góp công, góp của, vận động hàng chục tỷ đồng xây dựng hơn 200 cây cầu giao thông nông thôn ở khắp các vùng miền cả nước.

Làm giàu từ cây lúa

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con ở vùng nông thôn xứ “khuất nẻo” Đồng Tháp, từ nhỏ ông Bé Hai đã làm quen với cây lúa và công việc đồng áng. Lớn lên, lập gia đình và ra ở riêng, ông được cha mẹ cho 1ha đất ruộng canh tác như những anh em khác. Vốn đam mê đặc biệt với cây lúa, chịu khó tìm tòi học hỏi nên năm nào ruộng lúa nhà ông cũng được mùa hơn các đám ruộng bên cạnh.

“Thời gian tôi ngoài đồng còn nhiều hơn ở nhà, có như vậy mới theo dõi sát tình hình sâu bệnh, sinh trưởng của cây lúa. Chỗ nào tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, tôi đều tham dự để học hỏi, áp dụng cho ruộng lúa của mình”, ông Hai chia sẻ.

F5b.jpg
Ông Nguyễn Văn Bé Hai trên cây cầu Bà Khôi (xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)

Ông Bé Hai là người tiên phong trong việc thử nghiệm, trồng trọt những giống lúa mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: giống Đài Thơm 8, OM89, OM380… “Nông dân mình vốn quen với các giống lúa cũ do chúng đạt năng suất, dễ chăm sóc và giá bán tương đối ổn định nên ngại thay đổi. Tôi đam mê nên chấp nhận trồng thử các giống mới, học hỏi cải thiện kỹ thuật dần để đạt năng suất, tăng giá thành”, ông Hai bộc bạch.

Khát khao làm giàu trên mảnh ruộng của mình, ông Bé Hai sang tận Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long học hỏi thêm về kỹ thuật làm lúa giống. Tại đây, ông được các thầy cô, kỹ sư trong viện hướng dẫn, chia sẻ những kiến thức quý báu áp dụng vào thực tế. Với những kiến thức tiếp thu được, những năm 2000, ông bắt đầu mày mò làm lúa giống. Từ mày mò làm giống IR50404, ông dần chuyển sang làm các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Nông dân quanh vùng đi ngang ruộng lúa giống của ông tấm tắc khen vì cây lúa cứng cáp, phẩm chất lúa vượt trội. “Hữu xạ tự nhiên hương”, dân quanh vùng cứ đến vụ sản xuất là tìm đến ông để mua giống.

“Tôi ký kết hợp đồng với cả trung tâm giống nông nghiệp tỉnh để cung cấp lúa giống. Nông dân yên tâm sử dụng, ưng bụng lắm”, ông Bé Hai chia sẻ.

Nhờ lợi nhuận từ cây lúa, ông Bé Hai dần mở mang ruộng đất. Từ 1ha ban đầu, ông hiện sở hữu hơn 9ha đất trồng lúa, cây ăn trái, mang lại lợi nhuận kinh tế khá. Năm vừa qua, với năng suất 9 tấn/ha, giá bán hơn 8.000 đồng/kg, cây lúa đem lại cho gia đình ông lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

Xây cầu nối đôi bờ vui

Khi chúng tôi tìm đến, ông Bé Hai đang chỉ đạo nhóm thợ thi công cầu Xóm Đồng (xã Tân Bình, huyện Châu Thành). Ông theo dõi sát tiến độ thi công, hỏi han từng anh em trong đội thợ để kịp thời hỗ trợ vật tư, cung ứng thêm lao động khi cần thiết. Cầu Xóm Đồng có chiều dài 36m, kết cấu bê tông cốt thép với kinh phí khoảng 750 triệu đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong hơn 1 tháng nữa. Ngoài nguồn kinh phí từ mạnh thường quân, chính quyền địa phương, phần còn lại do gia đình ông Hai tình nguyện đóng góp.

“Xây cầu đường thì đâu chỉ vài người hưởng lợi mà cả xóm, cả xã hưởng nên ngại gì mà không làm”, ông Hai tâm sự.

Ông Trần Bửu Công (77 tuổi, ngụ xã Tân Bình) bày tỏ cảm xúc: “Mấy cây cầu xung quanh đây toàn do đội Hai Lúa của chú Hai thi công. Nhờ chú mà bà con chở nông sản đi tiêu thụ dễ dàng hơn, lũ trẻ cũng thuận tiện đến trường”.

Ông Bé Hai bắt đầu công việc xây, sửa cầu từ những năm 2000. Ban đầu chỉ là những cây cầu gỗ, cầu ván sơ sài để người dân, học sinh thuận tiện đi lại. Dần dà, thấy cầu ván có thời gian sử dụng ngắn, phải thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa nên ông chuyển sang vận động thi công cầu bê tông. Để xây dựng một cây cầu vững bền, đạt chất lượng, ông lên Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp tìm gặp lãnh đạo để trình bày nguyện vọng. Thấy sự nhiệt huyết của ông, lãnh đạo Sở GTVT đã chỉ dẫn tận tình.

Với kiến thức học được, qua nhiều lần trao đổi trực tiếp, hồ sơ xin xây cầu của ông được thông qua. Từ cây cầu bê tông đầu tiên xây dựng năm 2010, đến nay đội thi công cầu của ông “Hai Lúa” đã làm được hơn 200 cây cầu giao thông nông thôn. Tất cả cầu đều được giám định đạt chất lượng, chưa hề gặp bất kỳ sự cố nào. Công việc thiện nguyện của ông được “hậu phương” ủng hộ hết mình. Ông cho biết, bản thân may mắn khi được sự đồng hành, hỗ trợ và thấu hiểu từ vợ con. Những lần ông phải thế chấp sổ đỏ vì mạnh thường quân “thất hứa”, vợ con đều ở bên chia sẻ, động viên, tìm mọi cách trả hết nợ cho đại lý vật tư xây dựng.

Dẫn chứng cho tấm lòng thiện nguyện của ông Bé Hai, ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Có lần chú Hai tình nguyện xây dựng một cây cầu, được mạnh thường quân trao 600 triệu đồng hỗ trợ vì chú xây cầu vừa bền, đẹp, tốn ít chi phí so với kinh phí trước đó. Chú dùng toàn bộ số tiền nhận được và bỏ thêm tiền túi xây dựng thêm 2 cây cầu khác tại Đồng Tháp. Có thể nói, chú Hai dành trọn tâm huyết cho công tác thiện nguyện, luôn được bà con thương yêu, quý mến”.

Hiện đội thi công cầu đường của ông Bé Hai có hơn 20 người, mỗi năm thi công từ 20-30 cây cầu giao thông nông thôn. Đặc biệt không chỉ xây dựng riêng cho quê hương Châu Thành, ông còn xây dựng ở nhiều huyện, tỉnh khác khắp mọi miền. “Chỗ nào cần thiết thì mình xây thôi, không nhất thiết phải bó buộc trong phạm vi địa phương. Nghĩa cử thiện nguyện càng lan tỏa càng có giá trị”, ông Bé Hai bày tỏ và mong muốn kết nối thêm các mạnh thường quân, chính quyền để xây dựng nhiều hơn những cây cầu nối bờ vui!

Ngoài xây cầu, ông Nguyễn Văn Bé Hai còn làm nhiều công tác thiện nguyện khác như: cung cấp nhu yếu phẩm cho các bếp ăn tình thương tại các tỉnh, hỗ trợ chi phí bệnh nhân đi mổ mắt, xây nhà tình thương cho các hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ gạo, thực phẩm cho người nghèo mỗi dịp lễ, tết…

Ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nhận bằng khen của Bộ GTVT về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển giao thông vận tải tại địa phương; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh trong tốp 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Ngoài ra, ông còn được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong đóng góp xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Gắn bó với ông Bé Hai từ những ngày đầu thành lập Đội thi công cầu ông Hai Lúa, anh Võ Thanh Hải chia sẻ: “Hai mươi năm theo đội thi công cầu, chú Hai luôn đối xử với anh em ân cần, nhã nhặn. Có gì khó khăn, vướng mắc, chú tận tình thăm hỏi. Khó cách mấy mà có chú Hai lo là anh em yên tâm làm việc”.

Tin cùng chuyên mục