Chủ động ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán

Mặn xâm nhập từ tháng 12-2022 và dự báo tiếp tục xâm nhập sâu đất liền trong thời gian tới khiến các địa phương ở khu vực ĐBSCL lo ngại cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong khi Tây Nguyên đang vào mùa khô, thời tiết khắc nghiệt, nhiều nơi mực nước ở các hồ chứa đã xuống thấp, nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây. Ảnh: QUỐC BÌNH
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây. Ảnh: QUỐC BÌNH

Mặn lấn sâu vào nội đồng

Cà Mau là địa phương duy nhất ở khu vực ĐBSCL không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, luôn đối diện nguy cơ mặn xâm nhập từ Biển Đông và Biển Tây. Những ngày này, người dân sống trong vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh (tỉnh Cà Mau) đã bơm nước từ sông, rạch vào ao để tích trữ nước ngọt...

Tại tỉnh Bến Tre, theo ghi nhận của Sở NN-PTNT, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về giảm đột ngột trong những ngày qua, dẫn đến độ mặn trên các sông chính như Cổ Chiên, Hàm Luông tăng cao. Tương tự, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, độ mặn trên các tuyến sông Hậu, sông Mỹ Thanh có xu hướng tăng cao trong các đợt triều cường.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, do phụ thuộc vào việc vận hành thủy điện trên lưu vực sông Mê Công nên khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi biến động dòng chảy ở bất cứ thời điểm nào ở một số tỉnh ĐBSCL.

Để chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đã chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương thường xuyên đo đạc, theo dõi diễn biến tình hình chất lượng nguồn nước, mặn xâm nhập trên các tuyến sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của các cơ quan chuyên ngành…

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị của tỉnh phải đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng hơn 46.000ha lúa đông xuân và hoa màu, cây ăn quả… Đặc biệt cần phải đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân các địa phương phía Đông: Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Gò Công Đông.

Tại Kiên Giang, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang theo dõi sát độ mặn tại các trạm Xẻo Rô Gò Quao trên sông Cái Lớn; tại trạm An Ninh trên sông Cái Bé và tại trạm Rạch Giá trên sông Kiên; yêu cầu đơn vị vận hành các cống ngăn mặn phải linh hoạt, trường hợp phát hiện nguồn nước bên trong đập ô nhiễm quá mức thì phải xả tạm rồi mới đóng tiếp…

Kiểm tra nồng độ mặn trên sông Cái Lớn nơi giáp ranh giữa Kiên Giang và Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG
Kiểm tra nồng độ mặn trên sông Cái Lớn nơi giáp ranh giữa Kiên Giang và Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG

Nỗ lực cứu cây trồng

Những ngày đầu tháng 2, cánh đồng thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông như một chảo lửa. Nắng gắt làm nhiều diện tích cây trồng héo rũ. Mực nước hồ thủy lợi Đắk Gằn, nơi duy nhất cung cấp nước cho hàng trăm hécta cây trồng nơi đây, đã xuống thấp. Hàng chục máy bơm của người dân đặt trên bờ đua nhau hút nước để cứu vườn cây.

Tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, nhiều tháng nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến một số nơi đất đai khô cằn, cây trồng rũ héo vì thiếu nước. Theo Đài khí tượng - Thủy văn tỉnh Kon Tum, thời gian tới khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ở khu vực TP Kon Tum cùng các huyện Sa Thầy, Ia Hdrai, Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, ảnh hưởng đến các loại cây trồng như lúa, cà phê, rau màu; thiếu nước sinh hoạt và làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, để chủ động triển khai các giải pháp chống hạn mùa khô năm 2023, đơn vị đã yêu cầu các địa phương cấp huyện rà soát các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng để tổ chức sửa chữa cũng như đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước…

Còn lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND tỉnh đã lên kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023. Trong đó, yêu cầu ngành chức năng tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chủ động trong công tác phòng chống hạn hán; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước, trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao...

TPHCM: Cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan vừa ký Văn bản số 307/PA-UBND ban hành phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô 2023 trên địa bàn thành phố. Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như: tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động sớm việc nạo vét, tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch; xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn.

Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình thủy lợi, các công trình cấp nước, tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới, đặc biệt là hệ thống kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán; tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục