Hàng hóa rục rịch tăng giá Từ ngày 1-7-2024, cán bộ, công chức, người lao động sẽ được tăng lương cơ sở khoảng 30%. Đợt cải cách tiền lương này được nhiều người trông chờ, bởi mức lương hiện nay là quá thấp, không đủ cho các chi phí cơ bản ở đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Tuy vậy, câu chuyện lương chưa tăng nhưng giá cả hàng hóa đã tăng luôn là mối lo thường trực với NTD.
Chị Mai Ngọc Ánh (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, gần đây, khi đi chợ chị thấy chi phí tăng khá nhiều bởi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt heo, rau xanh… đã tăng giá đáng kể so với tháng trước. “Gạo trắng thông thường, tháng trước tôi mua 130.000 đồng/bịch 10kg thì nay đã lên 150.000 đồng/bịch 10kg. Hay thịt heo cũng tăng hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Lúc mua tôi không để ý lắm nhưng khi xem lại chi tiêu mới giật mình vì các món hàng đều đã tăng giá so với trước”, chị Ánh nói. Câu chuyện của chị Ánh cũng là mối quan tâm của nhiều bà nội trợ trên địa bàn TPHCM.
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu tháng 6-2024 tới nay, ở các chợ truyền thống đã có không ít mặt hàng tiêu dùng tăng giá so với tháng 5-2024. Chẳng hạn, giá thịt heo tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, lên mức 155.000-165.000 đồng/kg với thịt ba rọi, thịt đùi từ 130.000-140.000 đồng/kg, cá các loại cũng tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg, tùy loại.
Không chỉ ở các chợ truyền thống, ngay các kênh phân phối hiện đại cũng đối mặt với những đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp. Điển hình như nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ nhiều nhãn hiệu lớn. Theo đó, hầu hết nhà cung cấp đã báo tăng giá 10-15% với ngành hàng rau củ quả và tăng giá 10- 20% với ngành hàng thực phẩm công nghệ.
Linh hoạt ứng phó
Ứng phó trước làn sóng tăng giá, các nhà bán lẻ cho biết đã nỗ lực, linh hoạt phối hợp với nhà cung ứng duy trì mức giá ổn định với chất lượng hàng tốt nhất cho NTD, luân phiên giảm giá những sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu NTD, chất lượng cao đi kèm với mức giá tốt nhất. Chẳng hạn như Saigon Co.op - đơn vị chủ quản của 800 điểm bán là các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đã tận dụng lợi thế hệ thống phân phối lớn, hệ thống trung tâm phân phối ở Đông - Tây Nam bộ, miền Bắc để đàm phán với nhà cung cấp, dự trữ lượng hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng với giá phải chăng. Saigon Co.op cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương TPHCM và các địa phương nơi có siêu thị Co.opmart trú đóng để tìm kiếm sản phẩm tốt, nổi bật các vùng miền đưa đến NTD cả nước với giá tốt nhất. Song song đó, Saigon Co.op phối hợp nhà cung cấp thực hiện luân phiên giảm giá đến 50% cho nhiều ngành hàng như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng công nghệ, hàng gia dụng…
Đặc biệt, theo Saigon Co.op, để làm được như vậy, Saigon Co.op và nhà cung cấp đã phải bàn bạc kỹ lưỡng, đi đến thống nhất phải giảm lợi nhuận để có mức giảm giá hợp lý nhất. “Các nhà bán lẻ đang đối mặt với bài toán thúc đẩy doanh thu giữa bối cảnh sức cầu cũng như niềm tin của NTD đang suy giảm. Vì vậy, dù giá hàng hóa chịu sức ép tăng, song các nhà bán lẻ vẫn đang trì hoãn việc tăng giá bởi thời điểm này sức mua còn yếu”, đại diện Saigon Co.op cho biết. Theo đó, nhà bán lẻ này đang tổ chức chương trình khuyến mãi “Gia đình Việt - Đại sứ xanh”, kéo dài từ ngày 13-6 đến 3-7. Trong chương trình, các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op luân phiên giảm giá lên đến 50% các mặt hàng thực phẩm tươi sống, mang lại nhiều lựa chọn phong phú và tiết kiệm cho khách hàng. Đáng chú ý, Saigon Co.op còn thiết kế chương trình ưu đãi riêng cho từng cấp độ khách hàng thành viên, thành viên cấp càng cao thì mức giảm giá càng đậm.
Đối với nhà sản xuất, nhiều doanh nghiệp cho biết đã phải tính toán lại tất cả các khoản chi phí hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực cũng như cắt giảm một số hoạt động chưa thực sự cần thiết trong giai đoạn này để giữ giá sản phẩm. Đơn cử, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, công ty đã xây dựng giải pháp chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu. Xây dựng liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định trong dài hạn. Rà soát, đề ra mô hình mới cho hoạt động kinh doanh chợ truyền thống nhằm tăng cạnh tranh, phục vụ tốt hơn cho NTD.
Các chuyên gia cho rằng, việc chủ động của doanh nghiệp là một trong những giải pháp tốt nhất, tuy nhiên vẫn cần sự vào cuộc của các cấp Trung ương, địa phương. Ngày 22-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Công điện yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Cũng theo công điện, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa; Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công thương theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu cầu tiêu dùng của thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa, gạo, thịt heo, vật tư nông nghiệp để kịp thời điều hòa cung - cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường; không để thiếu, khan hiếm lương thực, thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương, các chuyên gia tin tưởng sẽ góp phần giúp thị trường hàng hóa phần nào ổn định để NTD không phải lo lắng chuyện “lương chưa tăng, giá đã tăng”.