PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, về việc chủ động ứng phó từ sớm với nguy cơ mưa bão, lũ và hạn mặn ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai |
- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình hình thiên tai ở nước ta trong các tháng qua?
- Ông NGUYỄN VĂN TIẾN: Từ đầu năm đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai, trong đó có 37 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 201 trận động đất và 323 vụ sạt lở, triều cường… Bên cạnh đó là nắng nóng kỷ lục, thiếu nước tại Bắc bộ, Trung bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra tại nhiều vùng miền với 323 vụ, nhất là tại ĐBSCL và sạt lở nghiêm trọng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 26-6. Thiên tai trên cả nước đã làm 52 người chết, mất tích.
- Công tác chuẩn bị ứng phó với các loại hình thiên tai năm nay, nhất là mưa bão, lũ đã được thực hiện ra sao?
- Dự báo tình hình thiên tai trong các tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp với 7-11 cơn bão hoạt động trên Biển Đông. Lũ trên các sông ở khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất...
Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cần rà soát phương án, kịch bản ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống thiên tai được cảnh báo, nhất là phương án sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi bão đổ bộ, mưa lớn, khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất… Điều chỉnh các hoạt động sản xuất (tàu thuyền trên biển, nuôi trồng thủy sản), chăn nuôi, mùa vụ trong mùa bão lũ, với khu vực miền Bắc là từ nay đến tháng 9-2023, miền Trung là trong tháng 10 và 11-2023.
- Thời gian qua, việc thực hiện yêu cầu “4 tại chỗ” ở một số địa phương còn bị động, lúng túng. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Hàng năm, các địa phương đều tổ chức kiện toàn ban chỉ huy, phân công nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch và rà soát phương án ứng phó... Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các năm trước cho thấy, phương án ứng phó của một số địa phương chưa sát với thực tế, thiếu phương tiện, trang thiết bị để xử lý tình huống, đặc biệt là cứu người dân khi có lũ, như tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa (tháng 8-2018), hoặc cứu hộ các tàu thuyền gặp nạn tại cửa sông, ven biển (tàu Vietship 01 tại vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị tháng 10-2020).
- Theo ông, các địa phương cần làm gì để đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai?
- Bộ NN-PTNT đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. Các địa phương đã rà soát, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống, loại hình thiên tai, trong đó xác định 288 trọng điểm, vị trí xung yếu trên các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt.
Về hồ chứa, các địa phương đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn 1.144 hồ chứa thủy lợi trên cả nước đã hư hỏng, xuống cấp, đồng thời sẽ tổ chức thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống xấu, nhất là với các nhà máy thủy điện nhỏ và hồ chứa xung yếu.
- Những bài học nào cần rút kinh nghiệm trong mùa mưa bão năm nay?
- Qua quá trình triển khai công tác phòng chống thiên tai, chúng tôi rút ra 4 bài học kinh nghiệm lớn: Một, cần sự sâu sát, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia, ban chỉ huy của các bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị sẽ giúp ứng phó hiệu quả với các trận thiên tai lớn. Hai, theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, cung cấp các bản tin dự báo chính xác, xây dựng kịch bản ứng phó sát thực tế để tham mưu kịp thời, chính xác trong chỉ đạo, điều hành, giảm thiểu thiệt hại.
Thứ ba là cần sự tham gia chủ động, tích cực của người dân, cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là vai trò của lực lượng xung kích tại cơ sở sẽ giúp chủ động công tác ứng phó. Bốn, các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở truyền tải thông tin diễn biến thiên tai, văn bản chỉ đạo, chỉ huy kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân bằng nhiều hình thức, đã giúp triển khai hiệu quả công tác ứng phó thiên tai. Trong mùa mưa bão lũ năm nay, cần tiếp tục phát huy các bài học và kinh nghiệm nêu trên để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân do thiên tai gây ra.