Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 8, nắng nóng tiếp tục xảy ra tại Bắc bộ và Trung bộ. Số ngày nắng nóng năm nay nhiều hơn trung bình và gay gắt hơn năm 2022. Nhiệt độ trung bình tháng 7 và tháng 8 ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ cao hơn 0,5-10C. Tình trạng hàng loạt hồ thủy điện và thủy lợi xuống mực nước chết, phải tạm dừng phát điện, cho thấy thời tiết rất khốc liệt.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện EVN đang chiếm 38,4% tổng công suất hệ thống điện, còn lại của nhà đầu tư khác. Bình thường các nhà máy nhiệt điện vận hành 6.000 giờ/năm phải nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa. Nhưng, vừa qua do thủy điện khó khăn nên nhiệt điện huy động cao, xác suất sự cố tăng, thời gian bị hỏng kéo dài. Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo từ lâu, bởi từ năm 2016 đến nay, miền Bắc gần như không có thêm nguồn mới.
Ngay cả Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xây dựng gần 10 năm mới hòa lưới thành công, nhưng thường xuyên trục trặc (hiện mới đạt công suất 600MW/1.200MW). Thủy điện đã khai thác hết dư địa. Điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Do đó, tình trạng thiếu điện tại miền Bắc không chỉ diễn ra trong mùa hè năm nay mà còn có thể tái diễn trong năm 2024.
Trao đổi với PV Báo SGGP, chị Trần Thị Khánh Quyên, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên) - đơn vị đang sở hữu 15 nhà máy may với 18.000 lao động, cho biết, nhờ chủ động dự phòng hệ thống máy phát điện nên đợt cắt điện luân phiên vừa qua, hoạt động của đơn vị vẫn đảm bảo.
Để ứng phó tình trạng mất điện khi nguồn cung khó khăn như hiện nay, theo GS-TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Điện lực Việt Nam), trước mắt, các doanh nghiệp cần tính toán, nên có nguồn điện dự phòng riêng cho mình. Có thể nguồn dự phòng không đáp ứng đủ công suất của xí nghiệp, nhưng cũng đủ để vận hành những khâu quan trọng. Với các cơ sở sản xuất thực phẩm, chế biến hàng đông lạnh, thủy hải sản…, việc đầu tư nguồn điện dự phòng là rất quan trọng để nhà máy tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, đại diện Hội Điện lực Việt Nam đề nghị, do nguồn điện vẫn đang thiếu hụt nên ngành điện và các địa phương cần có chính sách minh bạch và linh hoạt trong điều tiết nguồn, ưu tiên phân bổ cho sản xuất nhưng cần xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên số 1, 2 và các khung giờ ưu tiên. Với những doanh nghiệp có đơn hàng gấp thì cần chủ động sắp xếp lại thời gian làm việc, sử dụng tối ưu nguồn điện trong khoảng thời gian được cấp. Đồng thời, ngành điện cũng phải báo trước cho doanh nghiệp kế hoạch cắt điện, trong tháng 6 và tháng 7 sẽ cắt sản lượng bao nhiêu, khoảng bao lâu… để doanh nghiệp chủ động điều tiết sản xuất.
Về lâu dài, ông Võ Quang Lâm cho biết, EVN đang đề xuất thực hiện nhanh các dự án thủy điện mở rộng (ít nhất cũng 5 năm nữa mới xong, nên phải triển khai ngay). Đồng thời, theo các chuyên gia, để hạn chế nguy cơ thiếu điện sinh hoạt, cần sớm thúc đẩy chính sách cho người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà không nối lưới như Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt đã đặt ra.