Thời tiết khó lường
Hiện tại, miền Nam đã trải qua nhiều ngày oi nóng, nhiệt độ cao (dự báo đến giữa tháng 5 mới bước vào mùa mưa), trong khi miền Bắc vẫn còn lạnh. Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ khoảng nửa cuối tháng 4 này, nắng nóng ở miền Nam sẽ lan ra diện rộng ở miền Trung và miền Bắc.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, nắng nóng sẽ đặc biệt gay gắt tại khu vực Tây Bắc bộ, Trung bộ, Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên. Nhiệt độ trung bình có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5-10C, trong khi lượng mưa trên cả nước dự báo sẽ thấp hơn 5-15mm.
Với miền núi phía Bắc, Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, lượng mưa dù có tăng nhẹ nhưng không đủ bù lại mức thiếu hụt tổng thể. “Từ tháng 5-2025, nắng nóng có khả năng gia tăng trên toàn khu vực Bắc bộ và Trung bộ”, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cảnh báo.
Cùng với nguy cơ nền nhiệt sẽ tăng cao trong mùa hè, hiện nhiều dòng chảy ở miền Bắc đang có nguy cơ thiếu nước, có thể ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất điện nếu trời nắng nóng và không mưa. Từ đầu tháng 2 đến nay, mực nước ở nhiều hồ chứa thủy điện như Hòa Bình, Tuyên Quang… đã sụt giảm đáng kể so với mực nước dâng bình thường. Ghi nhận của PV Báo SGGP tại tỉnh Tuyên Quang, mực nước sông Lô chỉ đạt 11,25m - mức thấp nhất trong lịch sử.
Mực nước hồ thủy điện Tuyên Quang vào ngày 2-4 vừa qua chỉ còn 111,82m - thấp hơn đáng kể so với mức 116,55m vào hồi đầu tháng 2 và liên tục giảm trong ba tháng liên tiếp. Trên sông Đà (thượng nguồn thủy điện Hòa Bình, đoạn thuộc huyện Tân Lạc), các doi đất ở giữa hồ cũng nổi dần lên. Nhiều nơi đã nhiều tháng nay không mưa hoặc lượng mưa không đáng kể.
Dự báo phụ tải sẽ tăng cao
Dự báo nhu cầu điện tăng vọt trong mùa khô và nắng nóng trong khi nguồn cung gặp khó, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gấp rút triển khai hàng loạt biện pháp chủ động, tránh xảy ra nguy cơ thiếu điện. Bộ Công thương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025.
Theo đó, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2025 dự kiến là 347,5 tỷ kWh, cao hơn 12,5% so với năm 2024. Bộ Công thương cũng dự báo phụ tải điện trong các tháng tới có thể tăng trên 14%, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô như tháng 4, 5 và 6.
Theo báo cáo từ Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), trong tháng 3 vừa qua (chưa phải cao điểm), phụ tải thực tế trung bình/ngày đã đạt 874,5 triệu kWh - tăng tới 47,8 triệu kWh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đã tăng 12,6% so với cùng kỳ. Do thủy điện không dồi dào nên trong cơ cấu huy động nguồn, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất - trên 55%, thủy điện chỉ chiếm 20,6% và năng lượng tái tạo đóng góp khoảng 16,3%.
Cục Điện lực (thuộc Bộ Công thương) yêu cầu EVN cùng các đơn vị liên quan phải xây dựng kịch bản tăng trưởng phụ tải cao (mức 14%) để sẵn sàng đáp ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5% đến 8%. Đồng thời, cục cũng yêu cầu tối ưu hóa vận hành hệ thống, bảo đảm an ninh năng lượng và không để lặp lại tình trạng thiếu điện nghiêm trọng như mùa khô năm 2023.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN sẽ chuẩn bị kịch bản tăng trưởng phụ tải điện rất cao, thậm chí lên đến 14%, để đồng bộ với mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia năm 2025 ít nhất 8%. Tập đoàn sẽ theo sát dự báo phụ tải theo thời gian thực, phối hợp chặt chẽ với NSMO để tối ưu hóa phương án vận hành điện.
Từ đầu năm 2025, EVN cùng các đơn vị thành viên đã duy trì hồ chứa thủy điện ở mức nước đảm bảo theo quy định, tích cực phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc để đảm bảo nguồn than ổn định, đúng tiến độ. Về khí và dầu, nguồn cung cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất điện. Từ đầu tháng 3, EVN đã phối hợp với Tổng Công ty Khí Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề để đánh giá phương án đảm bảo nguồn cung khí và LNG cho năm 2025 và các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, EVN đã họp hoàn thiện phương án vận hành hệ thống điện trong điều kiện nắng nóng cực đoan kéo dài từ 5-7 ngày trở lên, đặc biệt là ở miền Bắc. EVN cũng sẽ tăng cường truyền tải công suất từ miền Trung ra miền Bắc; đồng thời điều tiết nước tại các hồ thủy điện để đảm bảo công suất khả dụng cho mùa khô.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, dự báo ngày 6 và 7-4, nắng nóng ở Nam bộ sẽ tiếp tục, nhiệt độ cao nhất là 35-360C, có nơi vượt quá 360C. Thời gian nắng nóng kéo dài từ 12-15 giờ mỗi ngày. Tâm điểm nắng nóng là miền Đông Nam bộ.
Trong khi đó, Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có đợt không khí lạnh nhẹ gây mưa phùn và mưa rào trên diện rộng. Dự báo mưa sẽ kéo dài suốt kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (có nơi mưa trên 50mm). Tại tỉnh Phú Thọ, nơi diễn ra các hoạt động chính dâng hương Giỗ Tổ, tiếp tục có “mưa rửa đền”, nhiệt độ dao động trong 20-250C. Cơ quan khí tượng lưu ý, người dân ở TPHCM và Nam bộ về mức nhiệt thực tế ngoài trời có thể cao hơn dự báo 2-40C, nhất là ở các khu vực đô thị với mật độ bê tông, mặt nhựa hấp nhiệt dày đặc.