Cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2019, ĐBSCL liên tục xuất hiện mưa lớn và kéo dài. Đây là thời điểm bắt đầu mùa lũ thường niên. Việc các địa phương đầu nguồn lũ xây dựng hệ thống đê bao sản xuất lúa 3 vụ/năm đã khiến nước lũ dồn về hạ nguồn, cùng với triều cường phá vỡ hàng loạt tuyến đê bao ở các cồn trên sông Tiền và sông Hậu trong những năm qua là những diễn biến khó lường. ĐBSCL cần chủ động ứng phó với mùa mưa lũ.
Xả lũ lấy phù sa
Những ngày đầu tháng 7-2019, lão nông Phạm Út, năm nay đã bước qua tuổi 70, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngư, tỉnh Đồng Tháp, đang chuẩn bị thu hoạch lúa hè thu để đón lũ về.
Ông Út tâm sự: “Hai năm qua hơi buồn vì vụ lúa hè thu không trúng, có lẽ đất đã bạc màu. Bù lại, địa phương chủ trương bỏ lúa vụ 3 (thu đông), mở đê lấy nước, bồi phù sa cho đồng ruộng cũng mừng”. Đây là việc làm phù hợp với chủ trương của Bộ NN-PTNT là giảm bớt diện tích đất lúa để tránh gây áp lực tìm đầu ra cho hạt gạo.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Trung ương, năm nay ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn, nhưng tiềm ẩn cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Việc các nước thượng nguồn sông Mê Công xây dựng đập thủy điện đang tạo ra những hệ lụy khó lường như làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Các đập này xả lũ nhiều, cùng với lượng mưa lớn có thể khiến mực nước ĐBSCL lên nhanh.
Trong khi đó, theo Đài KTTV khu vực Nam bộ, qua số liệu thống kê cho thấy tác động của thủy triều biển Đông vào khu vực ĐBSCL ngày càng sâu hơn. Từ năm 2000-2018, dòng chảy trung bình từ biển qua Tân Châu tăng đến 54,66%; qua Châu Đốc tăng đến 53,49%...
Đối với các tỉnh ĐBSCL, mùa mưa bão thường kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm và xu hướng xoáy thuận nhiệt đới đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực. Do đó, tình trạng ngập do mưa trở nên thường xuyên hơn.
Đặc biệt, những năm gần đây tình trạng đô thị hóa tăng lên, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và khả năng thoát nước trong các khu đô thị kém, càng gia tăng thêm tình trạng ngập. Đây là những tác nhân chính dẫn đến các đô thị ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu bị ngập cục bộ trong mùa lũ.
Chủ động ứng phó
Theo Bộ TN-MT, năm 2018 khu vực Nam bộ có tổng lượng dòng chảy 3 tháng mùa lũ (tháng 7 - 9) về đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu rất lớn, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10% - 35%, tương đương năm 2011. Trong đó, tháng 8 thường có tổng lượng dòng chảy cao nhất trong các năm lũ lớn, tính từ năm 2000 trở lại đây.
Dự báo lũ trên sông là nhiệm vụ trọng tâm của các đài KTTV khu vực cũng như đài KTTV các tỉnh trong mùa mưa lũ hàng năm. Ngoài việc dự báo cho các trạm trên dòng sông chính, những năm gần đây các đài KTTV địa phương còn triển khai dự báo cho khu vực nội đồng, góp phần tích cực trong việc phát triển một cách bền vững trong khu vực.
Việc các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang và ở hạ nguồn như Hậu Giang đều chủ trương giảm diện tích lúa vụ 3 được xem là định hướng đúng trong bối cảnh mùa lũ và triều cường ngày càng diễn biến khó lường. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết: “Hiện diện tích đê bao khép kín của tỉnh có 48.000ha. Nhưng diện tích lúa vụ 3 tới đây chỉ sản xuất khoảng 39.000ha để hạn chế những thiệt hại không đáng có do ngập lũ gây ra. Trong những năm gần đây, lũ về thường gây thiệt hại diện tích trồng mía của nông dân Phụng Hiệp. Hiện diện tích mía tại Phụng Hiệp đã được khoanh vùng trong vùng đê bao để tránh thiệt hại trong mùa lũ”.
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Hiện tượng mưa lũ lớn, dông, sét, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới rất phức tạp. Việc các đài KTTV sớm đưa ra dự báo để các địa phương chủ động ứng phó là rất cần thiết.
Trước mùa mưa lũ đang đến, chính quyền địa phương cần rà soát, có biện pháp hỗ trợ người dân ở những vùng thường xuyên bị lũ uy hiếp là rất cần thiết. Tránh những thiệt hại như vỡ đê bao trồng lúa ở An Giang, đê bao ở các cồn trong mùa lũ năm 2018 đã xảy ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long …