Chủ động ứng phó dịch thủy đậu

Dịch bệnh đang vào mùa
Chủ động ứng phó dịch thủy đậu

Những ngày qua, số ca mắc thủy đậu (còn gọi là trái rạ) có chiều hướng tăng nhanh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM và dự báo có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời
gian tới.

Dịch bệnh đang vào mùa

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, từ đầu năm đến nay, số ca mắc thủy đậu phải điều trị nội trú là 24 ca và đã có những ca bệnh thủy đậu nặng dù đây chỉ mới là thời điểm vào đầu mùa bệnh. Theo BS Trương Hữu Khanh,Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1: Những năm gần đây, bệnh thủy đậu đang có xu hướng chuyển dần từ trẻ nhỏ sang người lớn. Nếu như trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì nay có nhiều trường hợp là người lớn trong độ tuổi 25 - 30 mắc bệnh thủy đậu, sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ. Mới đây, tại BV Nhi đồng 1 ghi nhận trường hợp một trẻ 20 ngày tuổi phải nhập viện điều trị thủy đậu do lây từ mẹ.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 đang khám cho bệnh nhân bị thủy đậu  Ảnh: VĂN ĐỨC

Tại BV Nhi đồng 2, số ca nhập viện do thủy đậu cũng không ngừng tăng, tính từ sau Tết Nguyên đán đến ngày 11-2, BV đã tiếp nhận 240 ca khám ngoại trú do thủy đậu, trong đó có 6 ca nhập viện, số ca mắc thủy đậu tại BV gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho rằng, thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khiến tình hình bệnh thủy đậu diễn biến khá phức tạp, số ca mắc bệnh tăng nhanh.

Dịch thủy đậu thường phát triển theo mùa, trong khoảng tháng 2 - 6. Đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 4, 5 và lây lan rất nhanh. Vì thế, các nhà chuyên môn dự báo, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ bệnh sẽ bùng phát rất nhanh trong thời gian tới. Trước tình hình này, mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo với người dân, để phòng tránh bệnh thủy đậu.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày và thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Không được lơ là và tự ý chữa bệnh

Theo các bác sĩ, mặc dù thủy đậu là bệnh khá lành tính, nhưng cũng không thể chủ quan, bởi bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tủy... Bởi bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây lan thông qua sự đụng chạm vào bọng nước từ người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm bệnh. Trẻ nhiễm bệnh thủy đậu thường dễ lây bệnh cho bạn bè ở nhà trẻ, mẫu giáo, lớp bán trú. Thủy đậu có thể gây tử vong ở đối tượng trẻ quá nhỏ, trẻ đang điều trị ung thư máu hoặc ở trẻ có biến chứng viêm não nặng. Viêm não là biến chứng rất nguy hiểm của thủy đậu, dù hiếm gặp. Nguyên nhân là do phụ huynh chăm sóc không đúng cách. Nhiều phụ huynh đã tự ý bôi thuốc, bôi lá lên vết bọng nước của trẻ dẫn đến nhiễm trùng.

Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu được điều trị tại một bệnh viện

Theo BS Trương Hữu Khanh, trong môi trường khép kín (như gia đình, trường học, công ty…), nếu có 1 người mắc bệnh thủy đậu thì các thành viên khác rất dễ lây nếu không có biện pháp phòng ngừa và cách ly kịp thời.  Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh cũng khuyến cáo, người càng lớn tuổi mắc thủy đậu sẽ càng nặng.

BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, để phòng ngừa thủy đậu, tốt nhất nên tiêm 2 mũi vaccine, cách nhau ít nhất 3 tháng. Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng 1 tháng. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi. Người từng mắc bệnh có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và người thân cũng cần phòng bệnh cho bản thân để tránh trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho con. Đặc biệt, không tiếp xúc với trẻ khi đi làm về mà chưa thay quần áo,  không cho trẻ ăn khi chưa vệ sinh tay chân...


THÀNH SƠN 


Dịch đau mắt đỏ bùng phát bất thường

(SGGP).- Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, từ đầu tháng 2 tới nay, số người bị đau mắt đỏ tới bệnh viện khám và điều trị tăng đột biến. Mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận 150 - 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu.

Các bác sĩ cho biết, dịch bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9-10 hàng năm, nhưng năm nay lại xuất hiện từ đầu năm và đang gia tăng mạnh số người mắc sau Tết Nguyên đán là dấu hiệu bất thường. Bệnh nhân đau mắt đỏ chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

BS Hoàng Minh Anh, Trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong điều kiện thời tiết hiện nay, virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay.

Trước nguy cơ dịch bệnh đau mắt đỏ lây lan rộng, các bác sĩ khuyến cáo, người bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Khi bị đau mắt đỏ với diễn biến nặng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cần lưu ý không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Hơn nữa, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa thành phần corticoid nếu không sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa thì có thể gây những biến chứng có thể dẫn đến mất thị lực.

QUỐC LẬP

Sốt vàng có nguy cơ xâm nhập

(SGGP).- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình số người mắc bệnh sốt vàng đang gia tăng tại nhiều quốc ở khu vực Trung Phi và Nam Mỹ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có khuyến nghị về việc tiêm vaccine phòng bệnh sốt vàng khi đến các khu vực đang có dịch.

WHO chỉ rõ, bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do virus sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong lên đến 50%.

Triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ, có thể phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong.

Đáng lo ngại là thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc sử dụng vaccine phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và cho miễn dịch phòng sốt vàng suốt đời.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đến quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch để có miễn dịch suốt đời phòng bệnh sốt vàng. Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần chủ động thực hiện các biện pháp xua muỗi và phòng muỗi đốt. Người từ các nước đang có dịch tới Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.


MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục