Hoa Kỳ khởi kiện điều tra gỗ dán Việt Nam
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp Bộ NN-PTNT), sau khi cân nhắc, Hoa Kỳ vừa có thư thông báo chính thức điều tra khởi kiện gỗ dán Việt Nam có dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Vụ việc này chắc chắn có ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu gỗ dán Việt Nam, khi năm 2019 Việt Nam xuất 770 triệu USD ván dán, chủ yếu sang Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hợp Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, các địa phương để hướng dẫn doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện. Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp Bộ Công thương giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua vụ khởi kiện này.
Văn phòng Bộ Công thương thông tin, bộ đang tích cực hỗ trợ ngành gỗ xử lý vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với gỗ dán nói riêng và các sản phẩm xuất khẩu nói chung. Gần đây nhất, ngày 17-6, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là các sản phẩm gỗ ván dán cứng, gỗ ván dán dùng trong trang trí… Trong trường hợp DOC kết luận sản phẩm gỗ ván ép, ván dán của Việt Nam lẩn tránh thuế đang áp với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra với mức thuế cao nhất đang áp với Trung Quốc (mức thuế phá giá là 183,36%; còn thuế chống trợ cấp 22,98%-194,9%).
Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, theo quan điểm của Hoa Kỳ, mục tiêu áp thuế chống lẩn tránh không phải là nhằm vào sản phẩm của Việt Nam mà để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với sản phẩm xuất khẩu của quốc gia khác. Sản phẩm của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác (ngoài Trung Quốc) có thể sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Do vậy, trong các vụ việc điều tra chống lẩn tránh từ trước đến nay, biện pháp chống lẩn tránh thuế đều không ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do các doanh nghiệp đã chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu từ trong nước hoặc các nước khác thay vì nguyên liệu của Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, tổng lượng xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam năm 2019 là 2,5 triệu m3 trong khi nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu m3 gỗ dán. Nghĩa là, xét về nguồn nguyên liệu, Việt Nam đủ năng lực cung ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ dán.
Gia tăng các vụ điều tra, khởi kiện
Theo đánh giá của Bộ Công thương, gần đây, các biện pháp hạn chế thương mại trên thế giới đang gia tăng, trong đó nổi bật là các hình thức chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và tự vệ. Tính đến tháng 6, Bộ Công thương đã xử lý 176 vụ việc do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay có 13 vụ do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và còn 6 vụ việc khác có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (lớn hơn số lượng vụ việc của năm 2019).
Sản phẩm xuất khẩu bị điều tra rất đa dạng, trong đó mặt hàng gỗ bị điều tra 7 vụ, chiếm tỷ lệ 4%. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ việc phòng vệ thương mại nhưng đáng lưu ý là mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng. Nếu cả giai đoạn 2007-2017 chỉ có 3 vụ việc của mặt hàng gỗ, thì từ năm 2018 đến nay đã có 4 vụ liên quan tới gỗ.
Bộ Công thương cũng đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của các vụ việc điều tra về sản phẩm gỗ gần đây cũng cao hơn nhiều so với các vụ trong giai đoạn 2007-2017. Cụ thể, vụ việc chống bán phá giá gỗ MDF do Ấn Độ điều tra năm 2015 có kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,1 triệu USD, nhưng vụ việc Hàn Quốc điều tra gỗ dán năm 2019 đã có kim ngạch xuất khẩu tới 170 triệu USD. Để ứng phó hiệu quả với các vụ kiện, ngoài nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng chuỗi giá trị, hiện đại hóa hệ thống quản lý, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp để chứng minh cho các cơ quan điều tra thấy doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá hay lẩn tránh thuế.