Chủ động tinh giản chương trình học

Trong bối cảnh học sinh tiếp tục nghỉ học do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, quyết định điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ 2 năm học 2019-2020 của Bộ GD-ĐT được xem là cần thiết và phù hợp, góp phần giảm áp lực cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả trong thực tế, cần sự chủ động và linh hoạt của các trường phổ thông.
Học sinh thi THPT quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Maria Curie (TPHCM), môn Ngữ văn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh thi THPT quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Maria Curie (TPHCM), môn Ngữ văn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tinh giản chương trình ở nhiều cấp độ

Đối với bậc tiểu học, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM), cho biết hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học của học kỳ 2 rất hợp lý. Trong đó, tập trung vào các phần kiến thức nâng cao và yêu cầu vận dụng cao kiến thức; cho phép giáo viên liên kết một số bài học có nội dung liên quan để tổ chức dạy học tích hợp; nhiều bài học trong chương trình chính khóa được chuyển thành hình thức tự học ở nhà hoặc tự nghiên cứu có sự hướng dẫn của giáo viên.

Thầy Vũ Hoàng Sơn chia sẻ, hiện nay các giờ học online cho học sinh qua ứng dụng Zoom chưa thể đạt mục tiêu 100% học sinh tham gia do điều kiện máy tính và Internet mỗi gia đình khác nhau, sự hỗ trợ của phụ huynh đối với việc học của con em không đồng nhất, nên nhiều trường hợp thầy và trò phải tương tác qua nhiều hình thức. Từ kinh nghiệm thực tế, thầy Sơn bày tỏ, dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh nhưng chỉ đảm bảo nhu cầu học tập kiến thức cơ bản, các yêu cầu vận dụng kiến thức cao sẽ hạn chế. Do đó, việc Bộ GD-ĐT tinh giản chương trình học theo hướng giảm yêu cầu vận dụng cao sẽ giúp giáo viên và học sinh chủ động và nhẹ nhàng hơn trong việc triển khai chương trình học tập. 

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), dẫn chứng môn Lịch sử của học kỳ 2 khối 12 được tinh giản khá nhiều nội dung, các bài học được giữ lại đều tập trung xoay quanh chủ đề “Kháng chiến chống Mỹ” trong chương trình Lịch sử Việt Nam. “Có thể thấy chủ trương tinh giản kiến thức được Bộ GD-ĐT thực hiện ở nhiều cấp độ, có quy định rõ nội dung nào không dạy hoặc tổ chức cho học sinh tự học và nghiên cứu. Tất cả nội dung không dạy học trên lớp sẽ không đưa vào kiểm tra, đánh giá học sinh. Việc giảm tải giúp giáo viên đảm bảo yêu cầu kiến thức của học kỳ 2 trong điều kiện thời gian eo hẹp”, thầy Du nhận định.   

Ở môn Hóa học, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết chương trình được tinh giản theo hướng giảm các yêu cầu thực hành, thí nghiệm trên lớp, thay vào đó học sinh được khuyến khích tự học và vận dụng kiến thức tại nhà. Tuy nhiên, nhà giáo này nhận định, cơ quan quản lý nên có thêm hướng dẫn về việc đánh giá các nội dung cho học sinh tự học, tự nghiên cứu ở nhà để đảm bảo hiệu quả tiếp nhận tốt nhất.

Với môn Toán học, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán - Trường THPT Nguyễn Du, đánh giá nội dung giảm tải tập trung vào những phần bài tập có độ khó cao, số lượng bài học trong chương trình giữ nguyên nên vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức của cả năm học. Với 2 môn Ngữ văn và Tiếng Anh, nhiều giáo viên cũng nhận xét các nội dung tinh giản phù hợp, không ảnh hưởng đến sự liên hệ và tính lô gích trong chương trình giữa các bậc học.

“Học sinh không nên quá lo lắng mà cần tận dụng khoảng thời gian ở nhà để hệ thống lại kiến thức, khi trở lại trường học sẽ được các thầy cô hướng dẫn kế hoạch học tập phù hợp”, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh cho biết
Cần sự chủ động của giáo viên  


Giáo viên dạy môn Ngữ văn của một trường THPT ở quận 1 khẳng định, tinh giản nội dung chương trình học chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn hết là sự chủ động trong phương pháp tổ chức và truyền đạt kiến thức của giáo viên. Bởi sau hơn 2 tháng nghỉ học ở nhà, khả năng bắt nhịp lại chương trình học của mỗi học sinh khác nhau. Do đó, chương trình học cần đảm bảo tính liên tục và cơ hội học tập ngang bằng cho tất cả học sinh.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Viết Đăng Du bày tỏ, trong thời gian học sinh nghỉ học ở nhà, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh tự ôn tập và hệ thống lại kiến thức của học kỳ 1. Khi trường học hoạt động trở lại, với lợi thế của dạy học trực tiếp trên lớp, học sinh sẽ dễ dàng nắm bắt thêm kiến thức của học kỳ 2.

Riêng tại Trường THPT Nguyễn Du, theo thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, trong tuần tới các tổ bộ môn sẽ kiểm tra, đánh giá lại chất lượng học tập trực tuyến của học sinh trong 2 tháng qua, từ đó có kế hoạch tổ chức chương trình dạy học phù hợp đối với từng nhóm đối tượng và trình độ học tập.    

Bên cạnh đó, đại diện các trường đều cho biết, đề thi minh họa các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mới được Bộ GD-ĐT công bố là vừa sức, phần nào giúp các trường có thêm cơ sở để tổ chức kế hoạch giảng dạy ở học kỳ 2. Trong đó, đề thi tập trung chương trình học của học kỳ 1 lớp 12 nhằm giảm tải áp lực thi cử cho học sinh và giáo viên, song vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức chung trong bối cảnh tình hình dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục