Hiện tại, chỉ có 1 địa phương hoàn tất quy trình tuyển dụng giáo viên năm học 2024-2025 là quận 12. Như vậy, dù năm học mới đã cận kề nhưng công tác tuyển dụng chưa đồng bộ ở các địa phương; trong đó, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn tuyển, ứng viên trúng tuyển nhưng không nhận nhiệm sở, gây ảnh hưởng việc sắp xếp, bố trí giáo viên cho năm học mới.
Ông Tất Quốc Thắng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 4, cho biết, hiện nay các địa phương triển khai kế hoạch tuyển dụng một cách riêng lẻ, ứng viên có thể đăng ký cùng lúc nhiều nơi, dẫn đến tình trạng hồ sơ “ảo”, ứng viên trúng tuyển không nhận nhiệm sở. Để khắc phục tình trạng này, nhiều địa phương kiến nghị ngành giáo dục và đào tạo thống nhất thời gian tuyển dụng giáo viên ở các quận, huyện và TP Thủ Đức, triển khai các giải pháp quản lý hồ sơ tuyển dụng của ứng viên nhằm giảm tỷ lệ hồ sơ “ảo”, nâng cao hiệu suất tuyển dụng.
Tuy nhiên, theo Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay công tác tuyển dụng giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS được UBND TPHCM phân cấp cho UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện quản lý, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tuyển dụng ở cấp THPT. Vì vậy, việc thống nhất thời gian tuyển dụng phải dựa trên cơ sở đồng thuận của các địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phạm Minh Tuấn cho rằng, cạnh tranh trong tuyển dụng là thực tế khó tránh khỏi ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Trong bối cảnh nguồn tuyển giáo viên còn hạn chế, trường học phải chủ động tìm kiếm giáo viên thông qua nhiều giải pháp linh hoạt như hợp đồng, thỉnh giảng, phối hợp với các trường đại học tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy nhanh quá trình tuyển dụng, tránh tình trạng năm học đã bắt đầu nhưng chưa tuyển được giáo viên.