Nắm rõ từng hoàn cảnh
9 giờ sáng, đúng lời hẹn, chị Lê Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 1, quận 5 (TPHCM) cùng vài cán bộ khệ nệ ôm quà gõ cửa nhà bà Trương Tuất Phương trong con hẻm đường Trần Bình Trọng. Người phụ nữ đơn thân 71 tuổi, làm nghề lượm ve chai mừng rỡ đón lấy bọc quà và phong bao màu đỏ, còn bịch gạo hương lài thì phải nhờ cán bộ xách giùm.
“Dịch bệnh như vầy cô còn đi làm được hông?”, bà Phương thiệt thà: “Tui lớn tuổi rồi, dịch giã tui sợ lắm không dám ra đường, không có đồng nào thu nhập”. Thế nên món quà này, cùng với sự chăm nom hàng tháng 500.000 đồng giúp bà yên tâm phần nào.
Cùng hẻm với bà Phương là một cảnh đời khác. Bà Phan Thị Thu Hồng năm nay 61 tuổi, dịch bệnh khiến công việc bán vé số của bà ngừng lại. Trong chuyến đi hôm ấy, đoàn còn thăm hỏi ông Trọng xe ôm, bà Hạnh phụ bán tạp hóa, bà Khinh giặt đồ thuê, ông Phước chạy ba gác thuê… Tất cả đều là những hộ có hoàn cảnh khó khăn mà từ lâu phường đã nắm bắt và hỗ trợ thường xuyên cũng như mỗi khi cần kíp.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7, tình hình dịch Covid-19 nhiều nơi căng thẳng hơn. Để người dân không phải tập trung xếp hàng nhận hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 và 14 phường đã chủ động rà soát, cập nhật danh sách hơn 600 hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tới tận nhà trao quà, động viên, thăm hỏi.
Cũng với lợi thế nắm rõ hoàn cảnh trên địa bàn, gần một tháng qua, Xã đoàn Bình Chánh (huyện Bình Chánh) đã hỗ trợ 4 khu phong tỏa bằng cách kết nối những tấm lòng thơm thảo khắp nơi. Bí thư Xã đoàn Lê Tuấn Dũng cho hay, 4 khu phong tỏa có hơn 40 hộ dân, có nhiều công nhân, người
bán vé số rất khó khăn. Trước đây xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như xe bánh mì miễn phí, bếp cơm từ thiện, nay Xã đoàn chủ động ráp nối lại với nhau. Nhà cô Phú ở ấp 4, nhà chị Phước ở ấp 3 được mượn làm bếp nấu. Các cô hội viên phụ nữ thay nhau đứng bếp. Đoàn viên thì phụ lặt rau, chở cơm đến chốt. Thấy việc hỗ trợ thiết thực, nhiều bà con xung quanh góp thêm rau củ, thực phẩm.
Bằng cách đó, từ ngày 15-6 đến nay, Xã đoàn đã hỗ trợ 304 phần quà, hơn 2.600 suất ăn tại các khu phong tỏa, cách ly y tế, người lao động khó khăn và lực lượng tham gia phòng chống dịch. Ngoài các suất ăn, Xã đoàn còn tặng thực phẩm tươi sống cho những người bán vé số, ve chai… trên địa bàn. Gia đình đoàn viên có nhà trọ cho thuê thì được giảm giá phòng trọ.
Lan tỏa yêu thương
“Tròn một tháng rồi, ban đầu dự tính nấu 200-300 suất ăn/ngày, giờ đây bếp chúng tôi nấu 1.600 suất”, anh Nguyễn Anh Tài (38 tuổi, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) điểm lại hành trình hỗ trợ suất ăn chay của nhóm mình suốt một tháng qua. Hơn 17 giờ, các phần ăn trưa, ăn tối đã được giao đi hết. Chỉ kịp nghỉ ngơi một chút, anh Tài và các tình nguyện viên lại bắt tay vào chuẩn bị cho bữa ăn hôm sau. Anh chia sẻ: “Tôi mong cho mau hết dịch chứ kéo dài thế này thương bà con mình lắm. Nhận tin nhắn, cuộc gọi khắp nơi đề nghị hỗ trợ, tôi cũng nặng lòng vì người cần giúp còn nhiều”.
Ở quận 5, ông Lương Quan Thạch, chủ một đại lý vé số đã tặng thêm vé, áo mưa, khẩu trang cho nhiều người bán vé số trên địa bàn phường 7. Tưởng đó là những mối quen hay lấy vé nhà ông để bán, nhưng ông bảo: “Tôi chỉ biết những bà con này ở chung phường, chứ trước giờ tôi chưa gặp”.
Cứ thấy khó là giúp thôi, cũng vì suy nghĩ này mà khi hình ảnh những chiếc rổ, nón lá lật ngửa trong con hẻm ở quận 4 đăng trên mạng xã hội, nhiều đội nhóm đã đến với bà con. Trong đó có nhóm chị Cúc “rác” - Giang Thị Kim Cúc, người sáng lập Green Trips Vietnam. Chỉ trong 3 ngày, gần 20 con người đã chế biến hơn 2.000 hộp cơm chay và rau củ, trái cây để chi viện cho người dân quận 4. Các chị dự tính sẽ tiếp tục việc này cho đến khi tình hình dịch ổn định.
Ở khu Mả Lạng (quận 1), nơi đã 2 lần phong tỏa cũng chứng kiến sự ấm áp của những tấm lòng thiện nguyện. Những phần cơm, bọc quà đủ đầy khiến người lao động trong khu hẻm nghèo này được an ủi, tiếp sức phần nào những ngày khốn khó.
Giúp đỡ không phân biệt“Nếu có người vãng lai, chúng tôi vẫn hỗ trợ, nhưng trước tiên là người cư trú ở quận 5, không phân biệt thường trú hay tạm trú - sẽ không thiếu gạo, khẩu trang”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 Lê Tấn Tài cho biết. Người khó khăn chỉ cần liên hệ qua MTTQ nơi cư ngụ, hoặc ai phát hiện trường hợp khó khăn mà chưa được hỗ trợ cũng báo với cán bộ Ban công tác mặt trận khu phố. Ông Lê Tấn Tài cho biết, các nhà hảo tâm thông qua hệ thống MTTQ Việt Nam quận 5 đã đóng góp hơn 20 tấn gạo, 50.000 khẩu trang, các vật dụng, rau củ quả… Ở đợt dịch thứ 4, ban đầu quận tập trung hỗ trợ người bán vé số, sau đó mở rộng dần đối tượng bán ve chai, thu gom rác dân lập, công nhân vệ sinh, người già neo đơn, người bệnh hiểm nghèo, khuyết tật. |