Ngay sau đó, đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT công bố đã phần nào tháo gỡ “nút thắt” này bằng quy định tổng độ dài ngữ liệu của đề thi không quá 1.300 chữ.
Theo thầy Trương Minh Đức, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), ngoài yêu cầu về độ dài, ngữ liệu đề thi cần có chủ đề phù hợp lứa tuổi học sinh, mang tính chất định hướng tư tưởng và giáo dục, tránh các văn bản có nội dung nhạy cảm, trái chiều. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu đề thi theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới, ngữ liệu đề thi phải giúp học sinh phát huy được khả năng tư duy, kỹ năng đọc hiểu, suy luận và trình bày văn bản.
Ở góc độ khác, theo cô Lê Thị Việt Hà, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), phụ huynh và học sinh thường có tâm lý lo lắng việc đề thi ra văn bản ngoài sách giáo khoa do học sinh phải hiểu và viết cảm nhận về một tác phẩm văn học ở lần đầu tiên tiếp xúc trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trên thực tế, các em đã làm quen với định dạng đề thi này từ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, cùng với các đề kiểm tra định kỳ trong 3 năm học THPT.
Do đó, với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, ở câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần nắm rõ đặc trưng thể loại, có kỹ năng tìm hiểu tác phẩm theo đặc trưng thể loại, từ đó tìm ra “chìa khóa” giải quyết các yêu cầu của đề thi. Tương tự, với câu hỏi nghị luận xã hội, học sinh đã được rèn kỹ năng làm bài từ năm lớp 10. Riêng câu hỏi nghị luận văn học là phần phát huy rõ nhất năng lực đọc hiểu và cảm thụ tác phẩm văn học của học sinh.
“Điều đầu tiên học sinh và giáo viên cần thay đổi là sự tự tin, chủ động đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận môn học. Nếu thầy và trò không thay đổi, phát huy năng lực bản thân sẽ không thể thích nghi với đổi mới”, cô Việt Hà bày tỏ.
Có thể thấy những thay đổi trong định dạng đề thi theo định hướng chương trình phổ thông mới đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng “học tủ”, làm bài thi theo văn mẫu đã tồn tại hàng chục năm qua của ngành giáo dục. Nói cách khác, đề thi không chỉ góp phần thay đổi cách dạy và học văn ở trường phổ thông mà qua đó còn mở rộng kỹ năng đọc, hình thành năng lực giải quyết vấn đề trong thực tiễn cho học sinh. Đây là bước chuyển mình cần thiết giúp phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, tránh tình trạng “cái gì cũng biết nhưng không biết làm gì” của học sinh.