Các cơ sở y tế đã sẵn sàng
Năm nay, thời gian nghỉ tết kéo dài đến 9 ngày (từ ngày 2-2 đến hết 10-2), vì vậy những phương án ứng trực tết của các BV cũng rõ ràng và chi tiết hơn. Đây là thời điểm nhiều bệnh gia tăng như ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tai nạn giao thông, các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… cũng tăng cao do thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống.
Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến thời điểm này, các cơ sở y tế trên địa bàn đã chuẩn bị túc trực sẵn sàng cấp cứu dịp tết. Tại BV Quận Thủ Đức, Giám đốc BV Nguyễn Minh Quân cho biết, BV khuyến khích các bác sĩ trực tết, bố trí lịch nghỉ trước và sau tết. “Những ngày tết, công tác khám chữa bệnh tại BV vẫn hoạt động bình thường, trực cấp cứu 24/24 giờ, đặc biệt, BV vẫn tổ chức bốc số, khám chữa bệnh cho người dân có nhu cầu”, bác sĩ Quân cho hay.
Còn theo bác sĩ Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115, BV đã tăng cường 6 bác sĩ trong mỗi kíp trực. Bên cạnh đó, tăng cường mỗi ngày 2 bác sĩ của 2 khoa (Khoa Khám bệnh, Khoa Khám và điều trị theo yêu cầu) để hỗ trợ cho Khoa Cấp cứu túc trực 7 giờ -19 giờ phục vụ nhu cầu của người bệnh. Cùng với đó, Ban giám đốc BV cũng đã có kế hoạch cho Khoa Cấp cứu và Khoa Dược phối hợp với nhau để cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm đúng tuyến tại BV trong những ngày nghỉ lễ, tiến hành cấp phát thuốc tại khoa cấp cứu.
“Hiện tại trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận và điều trị 300 - 350 bệnh nhân cấp cứu, trong dịp lễ tết thì số bệnh nhân cấp cứu luôn luôn tăng. BV đã lên kế hoạch, chủ động sẵn sàng về vật dụng, thiết bị, hóa chất, máy thở... phục vụ nhu cầu cấp cứu trong dịp lễ tết. Cùng với đó, để đảm bảo lượng máu phục vụ phẫu thuật, BV huy động cán bộ, công nhân viên BV hiến máu, thu được 231 đơn vị máu, đây là nguồn máu dự trù cho công tác cấp cứu”, bác sĩ Sóng thông tin.
Đảm bảo thông suốt, không gián đoạn
Để bảo đảm công tác y tế phục vụ nhân dân trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị cho các đơn vị thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp tết.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Y tế dự phòng và các đơn vị tuyến dưới tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh cúm A/H5N1, A/H7N9, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota…, các bệnh dịch lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác. Chỉ thị cũng yêu cầu Cục Quản lý dược bảo đảm việc cung ứng đủ thuốc chữa bệnh có chất lượng, giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và tăng giá hàng loạt; chú trọng sẵn sàng thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác cấp cứu người bệnh, phòng chống dịch bệnh; sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các điểm trực bán thuốc 24/24 giờ và công bố rộng rãi để người dân biết.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các BV phải tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, có kế hoạch trực 24/24 giờ. Bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu.
Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị, tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết, đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.
Các BV phải quán triệt cán bộ y tế ở các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Đối với bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện vào dịp tết, cần tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo cả về vật chất và tinh thần.