Công bố SGK vào đầu tháng 5-2020
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết, tính đến ngày 23-4, các trường tiểu học trên địa bàn quận đã hoàn tất việc chọn SGK lớp 1 đối với các môn học chính như Toán, Tiếng Việt; riêng các môn học còn lại sẽ hoàn tất chọn sách trong tuần tới. Lãnh đạo phòng GD-ĐT quận này bày tỏ, hơn 2 tháng qua, trường học tạm đóng cửa nên mọi hoạt động trao đổi, lấy ý kiến phản biện về các bộ sách giữa ban giám hiệu với các tổ bộ môn và giữa các giáo viên với nhau hầu hết thực hiện theo hình thức online.
Tới đây, các trường sẽ tổ chức họp lần nữa để thông qua danh mục SGK lớp 1 phù hợp với tình hình dạy học thực tế tại đơn vị. Còn tại quận Tân Bình, ghi nhận chung từ các trường tiểu học cho thấy, công tác thẩm định, lấy ý kiến phản biện giữa các thành viên hội đồng chuyên môn để thông qua danh mục SGK thực hiện chương trình GDPT mới đã hoàn tất. Thời điểm hiện tại, các trường tiểu học đã gửi báo cáo làm việc về phòng GD-ĐT quận để được hướng dẫn các bước thực hiện tiếp theo. Tương tự, tại quận 3, công tác chọn SGK cho chương trình GDPT mới cũng cơ bản hoàn tất. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 3 cho biết, trong tuần tới các trường tiểu học sẽ gửi báo cáo danh mục sách được lựa chọn về phòng GD-ĐT quận, đảm bảo đúng tiến độ triển khai chương trình GDPT mới theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thời gian qua, trường học tạm đóng cửa nhưng không ảnh hưởng tiến độ chọn SGK thực hiện chương trình GDPT mới. Thay vào đó, do học sinh tạm nghỉ học vì dịch bệnh nên giáo viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, lựa chọn đầu sách ở các môn học theo phân công của hiệu trưởng. Theo lộ trình thực hiện, các trường tiểu học sẽ công bố và niêm yết công khai danh mục SGK lớp 1 năm học 2020-2021 trước ngày 1-5-2020. Trong đó, công tác lựa chọn và triển khai SGK phải đáp ứng các tiêu chí do UBND TP phê duyệt, như thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong tổ chức dạy học, khuyến khích học sinh thực hành, tự học và nghiên cứu. Còn theo lãnh đạo các phòng GD-ĐT, danh mục SGK do hội đồng chọn sách của mỗi trường quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quá trình thực hiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và khoa học.
Hướng đến mục tiêu đào tạo đạt chuẩn quốc tế
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK, thay thế Thông tư 01 về hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT đã ban hành trước đó. Theo đó, quyền lựa chọn SGK thay vì do các nhà trường thực hiện như hiện nay, dự thảo thông tư mới sẽ trao quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố. Cụ thể, hội đồng lựa chọn SGK những năm học kế tiếp sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố thành lập, mỗi môn học ở mỗi cấp học thành lập một hội đồng chọn sách. Hội đồng bao gồm các thành phần là lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông. Số lượng thành viên của hội đồng là số lẻ, tối thiểu 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), dự thảo thông tư mới thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 32 của Luật Giáo dục (sửa đổi) ban hành năm 2019 với nội dung: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn”. Do yêu cầu tổ chức hội đồng chọn SGK lớp 1 thực hiện chương trình GDPT mới áp dụng cho năm học 2020-2021 phải thực hiện từ đầu năm 2020 (trong khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu thi hành từ ngày 1-7-2020), nên Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK với quy định chọn sách thuộc về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, ngay từ khi ban hành, thông tư đã xác định rõ chỉ có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2020 đến hết tháng 6-2020, những năm học kế tiếp (tức sau thời điểm ngày 1-7-2020) sẽ thực hiện theo quy định mới dựa trên Luật Giáo dục năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức lựa chọn và thực hiện SGK lớp 1 trong năm học đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để UBND các tỉnh, thành phố quyết định việc thực hiện trong những năm kế tiếp. Đối với riêng TPHCM, yêu cầu chọn sách phải đáp ứng đầy đủ các mục tiêu là phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội tại địa phương; điều kiện tổ chức dạy và học thực tế tại các cơ sở giáo dục. Tất cả SGK được lựa chọn phải đáp ứng định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố, hướng đến mục tiêu xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.