Theo ghi nhận tại các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, Hà Nội cho thấy, những ngày này, nhiều loại bánh, kẹo, mứt tết được bày bán trong tình trạng không rõ xuất xứ, hạn sử dụng, nhãn mác... nhưng nhiều chủ hàng vẫn quảng cáo với khách là hàng xịn, ngoại nhập, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Đáng lo ngại hơn khi trên các trang mạng xã hội và một số sàn thương mại điện tử cũng tràn lan nhiều loại bánh kẹo, đồ nguội, rượu bia được quảng cáo hàng ngoại nhập, hay “hàng nhà làm” khó đảm bảo ATTP. Trong khi đó, liên tiếp thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố đã phát hiện không ít vụ nhập lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Nam phối hợp cơ quan công an đã kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tình (ở tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), phát hiện 1.300kg lòng heo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại Cao Bằng, lực lượng chức năng cũng vừa phát hiện kho hàng chứa một lượng lớn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: trứng gà non, đậu viên thả lẩu, khoai lang sấy, chân gà, xương cá hồi, thịt trâu khô, cá biển đông lạnh… có hiện tượng chảy nước, bốc mùi hôi thối. Còn tại Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thông tin, trong 1 tháng ra quân tăng cường kiểm tra ATTP dịp tết (từ ngày 15-12-2023 đến ngày 15-1-2024) lực lượng chức năng đã kiểm tra 5.411 cơ sở, phát hiện và xử phạt 675 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 3,27 tỷ đồng.
Theo bác sĩ CKII Trần Xuân Linh, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, vào các ngày nghỉ tết, lượng bệnh nhân nhập viện để điều trị các bệnh về tiêu hóa tăng vọt so với các ngày thường. Đa phần là các bệnh về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa hay ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh từ chính việc bảo quản thực phẩm không đúng cách. “Việc dự trữ thực phẩm trong thời gian dài nhưng bảo quản sai cách là nguyên nhân gây ra các bệnh lý”, bác sĩ Xuân Linh chia sẻ; đồng thời khuyến cáo cần tạo thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế ăn nhiều chất béo, đường, uống nhiều bia, rượu, nước ngọt có gas…
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng, người tiêu dùng nên lưu ý khi mua, chế biến các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc, như các loại hải sản, rau, thịt và hoa quả tươi... Trong các loại hải sản, rau, thịt tươi sống đều có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, dịp Tết Nguyên đán, người dân cần hạn chế tối đa việc lạm dụng rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. “Thời gian này, gần như ngày nào trung tâm cũng phải tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu. Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu nấu truyền thống nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong, bởi thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm được xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Sở ATTP TPHCM vừa tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về ATTP cho các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn. Đây là hoạt động nhằm tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm ATTP tại chợ, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), vừa có buổi kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 tại tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, đoàn đã kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh về thực phẩm trên địa bàn TP Bắc Kạn và lấy 1 mẫu rượu của Hợp tác xã Rượu men lá Bằng Phúc để kiểm nghiệm.