Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, cho biết, năm 2021, mặc dù giảm 1,6% số vụ xâm hại trẻ em, nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng. Trong năm 2021, trên toàn quốc phát hiện 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020.
Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Đáng lưu ý, số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất: 72,84%, tăng 5,3% so với năm 2020. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng, đây mới chỉ là số vụ phát hiện được, có thể vẫn còn phần “chìm”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn còn ở mức cao và cho thấy những việc biện pháp đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ. Lãnh đạo Quốc hội đã nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó đề nghị Bộ LĐTB-XH chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành hiện nay trên cả nước để chủ động phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh từ cơ sở.
Tổng kết phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị thời gian tới, các cơ quan liên quan chú trọng việc hoàn thiện quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn giải quyết các vụ việc ly hôn khi quyết định quyền nuôi con phải xem xét quyền lợi mọi mặt của con, trong đó chú trọng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bị nguy cơ xâm hại, bạo lực. Việc tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường sau đại dịch Covid-19 cũng là một giải pháp hết sức quan trọng khác.