Vệ sinh môi trường còn kém
Ghi nhận tại một số khu nhà trọ bình dân, khu dân cư ven các kênh rạch tại TPHCM cho thấy điều kiện sống, vệ sinh môi trường của người dân khu vực này còn kém, chưa được quan tâm. Nhiều nơi ẩm thấp, rác thải sinh hoạt, chai lọ vứt tràn lan, không được thu dọn kịp thời; ruồi muỗi, côn trùng phát triển mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch SXH.
Dọc theo dòng kênh Chín Xiểng (phường 5, quận Gò Vấp), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), rạch Xuyên Tâm, nhiều rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh trên bề mặt, nước có màu đen kịt, hai bên bờ chất đầy các loại rác thải, xà bần. Nhiều người dân và trẻ em vẫn thản nhiên sinh hoạt, vui chơi, câu cá trên bờ kênh ô nhiễm. Một số hộ dân cho biết, ruồi muỗi ở những nơi này nhiều vô kể, nhất là vào những hôm trời mưa hoặc ẩm thấp.
Một dãy trọ trên đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức đã cũ kỹ, xuống cấp nhưng vẫn được nhiều công nhân, người lao động thuê ở do giá thuê khá rẻ. Nhiều loại rác sinh hoạt, vỏ lon bia, chậu nhựa, thùng xốp... được vứt ngổn ngang xung quanh các phòng trọ bốc mùi hôi tanh, nhiều lăng quăng, ruồi, muỗi phát sinh. Tại các dãy trọ dọc theo đường Hồ Ngọc Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, chúng tôi ghi nhận hầu như môi trường ô nhiễm nặng nề, rác thải tràn lan hai bên lề đường, kênh rạch. Phía trong, hầu hết các phòng trọ cũ kỹ, xuống cấp, ẩm thấp và rất nhiều muỗi.
Anh Trần Thanh Hoàn, công nhân một công ty xây dựng trên địa bàn TP Thủ Đức cho biết, công nhân xây dựng làm việc nay đây mai đó, chỉ ở trọ tạm thời nên thường tìm kiếm các khu nhà trọ giá bình dân để có chỗ nghỉ ngơi qua ngày. “Khu vực chúng tôi ở khá ẩm thấp, không khí ô nhiễm, tối tăm và nhiều muỗi. Vì thuê trọ bình dân với giá rẻ nên chúng tôi chấp nhận, không đòi hỏi gì thêm”, anh Hoàn cho hay.
Sốt xuất huyết tăng cao
Theo các chuyên gia y tế, SXH được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, mức độ lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, môi trường sống tại nhiều khu dân cư không đảm bảo vệ sinh, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, nhiều ao tù, nước đọng… là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, đẻ trứng và gây ra bệnh SXH.
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, số ca nhập viện vì SXH những ngày gần đây có dấu hiệu tăng cao. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 15-20 ca SXH nhập viện điều trị nội trú và nhiều ca phải chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc vì bệnh trở nặng. Hiện nay, Khoa Sốt xuất huyết của BV có 80 ca điều trị nội trú và hơn 30 ca điều trị ngoại trú.
Chăm sóc con gái nhập viện điều trị vì SXH tại BV Nhi đồng 1, chị H.T.K. (41 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) kể: “Nhà trọ của gia đình tôi nằm cạnh một gara sửa ô tô. Gara này thường xuyên vứt vỏ xe cũ bừa bãi, mỗi lần mưa là nước ứ đọng trong các vỏ xe. Nhìn thấy ruồi muỗi phát triển ngày càng nhiều, tôi đã góp ý với chủ gara nên giữ vệ sinh chung, dọn dẹp thường xuyên nhưng họ làm lơ”.
Theo BS Phan Nguyễn Liên Anh, Phó trưởng Khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 1, nhiều ca SXH trở nặng xảy ra ở trẻ bị thừa cân, béo phì, diễn tiến bệnh SXH phức tạp, đáp ứng điều trị và miễn dịch kém hơn trẻ có cân nặng, chỉ số phát triển bình thường. Quá trình điều trị SXH ở trẻ thừa cân, béo phì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề theo dõi, bù dịch. Ngoài ra, trẻ thừa cân, béo phì nếu bị SXH sẽ có nguy cơ suy hô hấp sớm. Đáng lo ngại hơn, nếu như tỷ lệ sốc do SXH ở người có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở người thừa cân, béo phì lên đến gần 15%.
Điển hình là trường hợp của em C.T.B. (10 tuổi, ngụ tại TPHCM). B. cao chỉ 1,3m nhưng nặng tới 51kg, được bác sĩ kết luận béo phì độ I. Mấy ngày trước, B. sốt cao 3 ngày không thuyên giảm, chóng mặt, nôn ói, được người nhà đưa đến BV Nhi đồng 1 cấp cứu và được xác định bị SXH kèm rối loạn đông máu. Do bệnh diễn tiến phức tạp, mỗi ngày B. đều được bác sĩ theo dõi và chăm sóc sát sao. Đặc biệt, với tình trạng bị thừa cân, béo phì, ngay sau khi nhập viện, B. được đo và cân kỹ càng để bác sĩ tính toán truyền dịch phù hợp khi tiến hành bù nước cho B..
BS Phan Nguyễn Liên Anh cũng khuyến cáo, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, người dân không nên chủ quan, lơ là với dịch SXH. Cần thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở sạch sẽ, tránh tạo điều kiện cho muỗi có nơi sinh sản. Khi có các biểu hiện như: sốt cao, chóng mặt, nôn ói…, cần đến cơ sở y tế uy tín thăm khám kịp thời. |